Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng đồng bằng sông Hồng
Mở cơ hội đột phá cho đồng bằng sông Hồng | |
Thủ tướng khảo sát thực địa, thúc đẩy tuyến cao tốc ven biển 'quan trọng chiến lược' với Đồng bằng sông Hồng |
Nghị quyết số 30-NQ/TW định hướng phát triển Vùng trong giai đoạn tiếp theo, trong đó đối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã xác định rõ: “đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông”, “phát triển hệ thống hạ tầng vùng gắn với đẩy mạnh đô thị hóa, kết nối đô thị” với nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Thực trạng hạ tầng giao thông Vùng
Trong khuôn khổ Hội nghị này, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo một số nội dung về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng để đáp ứng mục tiêu đã đặt ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, sau 17 năm thực hiện Nghị Quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những nhiệm vụ đặt ra đối việc việc phát triển kế cấu hạ tầng giao thông vận tải đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của vùng.
Về đường bộ, đã đưa vào khai thác 9 tuyến cao tốc, chiều dài 576 km; 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.133 km. Về đường sắt, đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 6 tuyến đường sắt quốc gia; về hàng hải, đã đầu tư để hình thành 4 cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, trong đó cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế; về đường thủy nội địa, đang khai thác 37 tuyến đường thủy nội địa, đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo; về hàng không, đang khai thác 3 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới như: đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, các công trình hạ tầng khung giao thông lớn kết nối các địa phương, các đô thị lớn trong vùng chưa đưa vào khai thác (đường vành đai 4, 5); đầu tư đường sắt kết nối cảng hàng không, cảng biển chậm; đường thủy nội địa còn khai thác hạn chế; hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thị phần vận chuyển hành khách thấp; tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy) nhanh, chiếm tỷ trọng lớn trong giao thông đô thị, khó kiểm soát...
Đầu tư, cải thiện, nâng cấp đồng bộ và khai thác hiệu quả
Về kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Cụ thể, quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, Cổ Tiết - Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện; đầu tư đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...).
Cải tạo, đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; xây dựng mới cảng container, các cảng khách đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng đầu tư đồng bộ giữa luồng và bến, kết nối liên hoàn giữa cảng biển trong vùng với phương thức vận tải khác, đầu mối vận tải khu vực; đầu tư các cảng cạn để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; khai thác hiệu quả cảng hàng không Vân Đồn.
Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của vùng đồng bằng sông Hồng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
5 giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số giải pháp:
Một là, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng, phát triển kinh tế biển; đầu tư kết cấu hạ tầng cần xét đến yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Ba là, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng, kết nối các cảng biển, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.
Bốn là, các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông;
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực ra vào đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng hàng không).
“Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực, quyết liệt, năng động, sáng tạo của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải tin tưởng rằng vùng đồng bằng sông Hồng sẽ có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung đồng bộ, hiện đại, hoàn thành mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng.