Tập trung nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu |
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, việc xây dựng Dự thảo với những quy định tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế đã phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam, đồng thời thể hiện lộ trình để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Bước đi mạnh mẽ
Trình bày nội dung dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: BĐKH là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, phát triển cơ chế tài chính, thị trường carbon; thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của nhà nước làm đòn bẩy thu hút nguồn lực tư nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Ảnh minh họa |
Ông Phạm Văn Tấn cho rằng, đây là văn bản định hướng dài hạn của Việt Nam thể hiện biến cam kết của Việt Nam tại COP26 thành chính sách cụ thể, để các ngành, doanh nghiệp cùng thực hiện đến năm 2050.
Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức hiện hữu khi thực hiện chiến lược. Cụ thể, các hoạt động thích ứng đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng lại chậm mang lại lợi nhuận trực tiếp nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó đầu tư từ NSNN thường được thực hiện trên cơ sở ưu tiên của bộ, ngành và địa phương nên ít có tính liên ngành, liên vùng làm cho các hoạt động thích ứng với BĐKH thiếu đồng bộ và có thể tác động tiêu cực lẫn nhau.
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cần nhanh chóng giảm năng lượng hoá thạch, chuyển công nghệ ít phát thải trong khi giá công nghệ đắt hoặc chưa hoàn thiện (như CCS, hydrogen...). Mục tiêu an ninh năng lượng cũng còn nhiều thách thức khi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; thị trường năng lực cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ.
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đều thể hiện sự ủng hộ với những định hướng chính sách của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng Chiến lược dài hạn về BĐKH sẽ tạo nền tảng rộng rãi và vững chắc cho các kế hoạch và chính sách khí hậu quan trọng khác, chẳng hạn như Kế hoạch phát triển điện VIII và Kế hoạch Tổng thể về Phát triển Năng lượng, cập nhật các đóng góp do quốc gia xác định (NDC), Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP) và Chiến lược Tăng trưởng Xanh”.
Đồng thời, đại diện UNDP cũng nêu khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng luật BĐKH nhất quán và đẩy nhanh các biện pháp thích ứng làm trọng tâm để tăng cường khả năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với người dân và cộng đồng đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Điều quan trọng không kém là thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh công bằng và có các cơ chế chính sách minh bạch để theo dõi các dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án và chương trình đầu tư xanh.
Giảm phát thải lĩnh vực năng lượng
Theo ông Phạm Văn Tấn, riêng về mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính - hiện chiếm từ 70-80% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vì vậy đây sẽ là lĩnh vực trọng tâm, cần quyết tâm cao khi thực hiện chiến lược này. Phát biểu tại hội thảo đại diện các tổ chức quốc tế đều đồng tình với giải pháp phát triển mạnh năng lượng tái tạo, tối ưu hóa các nguồn năng lượng có thể khai thác; tối ưu nguồn lực, công nghệ với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, ông Weert Börner, Đại diện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đánh giá, cần có những mô hình cụ thể hơn cho việc chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng, từ điện than sang năng lượng tái tạo. Bởi lẽ, nhiều nhà máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã tồn tại hàng chục năm, nếu chuyển đổi mô hình, phải có chính sách để tránh câu chuyện người lao động mất việc; tránh những ách tắc, rào cản trong chính sách.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng cần tham khảo các chính sách hiện hành hoặc sắp được ban hành về lĩnh vực năng lượng tái tạo, để tránh sự trùng lặp, tăng cường sự kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan để thực hiện Chiến lược một cách đồng bộ.
Trước những góp ý của các tổ chức quốc tế, ông Phạm Văn Tấn cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ những định hướng của Quy hoạch điện VIII để đảm bảo những nội dung của quy hoạch và chiến lược này không bị “vênh” nhau.
Thống kê cho thấy, ngoài nguồn lực quy hoạch điện VIII, cần khoảng 350-370 tỷ USD để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Vì vậy, ông Tấn nhấn mạnh đây là chiến lược, nỗ lực dài hạn cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Về quan điểm phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới, ông Tấn cho biết, việc sử dụng năng lượng tái tạo ít phát thải hơn so với năng lượng than, tuy nhiên năng lượng than ổn định hơn, không phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy, sẽ không tăng năng lượng tái tạo vô hạn mà phải đảm bảo ổn định nguồn điện, đến khi Việt Nam có thể nâng cao trình độ quản lý, có công nghệ vận hành hệ thống điện hoàn hảo, đảm bảo nguồn cung điện không bị cắt khi thời tiết thay đổi, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.