Thách thức và cơ hội trong xuất khẩu rau quả Việt Nam
Xuất khẩu rau quả tăng “đột phá” Xuất khẩu rau quả tăng 30% Đột phá xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc |
Toàn cảnh Diễn đàn |
Rau quả Việt Nam chinh phục thế giới
Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” diễn ra chiều ngày 6/12, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, Việt Nam xuất khẩu rau quả đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng các loại rau quả có nguồn gốc Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải… Mỹ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa…
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá, Trung Quốc đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là việc hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.
Về sản phẩm chủ lực của Hòa Bình là cây bưởi, cây có múi, hiện Trung Quốc là nơi sản xuất hàng đầu về mặt hàng này. Do đó, người sản xuất cần hướng đến những sản phẩm đặc sản, đặc trưng và độc đáo tại Trung Quốc, chẳng hạn bưởi da xanh.
Bên cạnh Trung Quốc, ông Hòa khuyến nghị các đơn vị nên khai thác những thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, như EU. Cùng với đó, người sản xuất nên chú ý đến mức dư lượng bảo vệ thực vật, vệ sinh, an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ Thực vật), thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP...
Sản phẩm phải hoàn toàn sạch bệnh, không chứa các loại sinh vật gây hại nguy hiểm như sâu bệnh, nấm, vi khuẩn... Đặc biệt, mỗi thị trường nhập khẩu lại có danh mục sinh vật gây hại cấm riêng. Ví dụ, Hoa Kỳ nghiêm cấm ruồi đục quả, sâu đục quả trên bưởi, còn New Zealand lại thêm vào danh sách các loại côn trùng như rầy chổng cánh, rệp sáp...
Với thị trường EU, nơi có yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, lại không cần đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU.
Do yêu cầu kiểm dịch của mỗi quốc gia là khác nhau, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật liên tục thông tin về các quy định này để tránh rủi ro bị từ chối nhập khẩu.
Hạn chế mở rộng, tập trung nâng cao giá trị
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ, xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại… Tất cả đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị chuỗi giá trị nông sản, tránh phát triển nóng.
Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng |
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…
Cũng theo ông Sứ, bên cạnh thành tựu, việc phát triển cây quả của tỉnh vẫn còn 1 số hạn chế như mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa rõ nét, chủ yếu tiêu thụ tươi do công nghệ bảo quản lạc hậu, thiếu các cơ sở chế biến hiện đại, làm giá trị sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng.
PGS.TS. Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình phát triển dài. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1 tỷ USD năm 2013 lên đến 7 tỷ USD hiện nay. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, các địa phương đã phải trả những "cái giá" nhất định như suy thoái đất, ô nhiễm môi trường cho sự phát triển nóng vội trước đây, điển hình là trường hợp của vùng cam Cao Phong.
Để phát triển bền vững cây ăn quả, ông Lê Quốc Doanh đề nghị địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời chấp hành nghiêm túc những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả.
Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn cho phép địa phương tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành gói kỹ thuật chi tiết cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.
“Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu, đồng thời lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng", ông Lê Quốc Doanh chia sẻ.