Thăm dò khai thác dầu khí: Cần tăng trách nhiệm bảo vệ môi trường biển
Ảnh minh họa |
Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và năm 2008 đã tạo điều kiện cho ngành phát triển trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
Các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh. Nếu như giai đoạn 2009-2014, có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ 2015-2019, mỗi năm chỉ một hợp đồng được ký, còn hai năm 2020 và 2021 không có hợp đồng nào.
Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, chủ yếu là khí. Các mỏ đang khai thác có tiềm năng hạn chế, chủ yếu là khí. Bởi vậy, cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi đầu tư nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Để thu hút tư nhân đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí, điểm mới trong Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đề xuất mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.
Đơn cử, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%. Mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, cần thiết kế luật để tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhà đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí. Do đó, dự thảo luật cũng nên bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp nào, tránh lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định.
Và đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi nhằm tránh xảy ra hiện tượng mua đắt, mua rẻ. Song song với đó, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Có chung quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh gợi mở, cách thể hiện trong luật thế nào để mang tính cảnh báo trong trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo môi trường, công nghệ, đầu tư. Khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ làm cho chiếc bánh to hơn thì nên có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ.
Đề cập đến môi trường, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lo lắng khi các ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề này qua các hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật chưa được tiếp thu. Nội dung liên quan đến phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường không được nêu trong điều riêng, mà được lồng ghép không rõ ràng trong một số điều trong dự thảo mới nhất ngày 29/4/2022.
Với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Sơn khuyến nghị, cơ quan quản lý có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí.
Đồng thời, kiểm tra đánh giá thực tế trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường. Kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch của tổ chức, cá nhân sau thẩm định phê duyệt.
Việc tổ chức tiến hành hoạt động dầu khí phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường. Phải xây dựng văn bản riêng, kế hoạch riêng và phải được thẩm định, phê duyệt.
Dẫn thực trạng sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” đang diễn ra trong thời gian gần đây, ông Sơn cho rằng, thực trạng này không chỉ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường.
Để hiểu rõ tác hại của ô nhiễm dầu, hãy hình dung: Nồng độ dầu trong nước đạt 0,1 mg/lít có thể gây chết các loài sinh vật phù du, mắt xích đầu tiên trong lưới thức ăn ở biển. Nồng độ dầu 0,1mg/lít có thể làm chết con non và ấu trùng. Chúng ta không nhìn thấy cá chết nổi trên mặt biển, vì chúng chết khi còn trong trứng, là ấu trùng, là con non. Đây là các dẫn chứng rất cụ thể, mong nhận được sự quan tâm, đưa ra những quy định chặt chặt chẽ hơn, hạn chế những sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” này, ông Phạm Văn Sơn bày tỏ.