Thấy gì khi Fed hạ lãi suất?
PBOC giữ lãi suất ngắn hạn ổn định dù Fed nới lỏng | |
Trump nói Fed nên giảm mạnh lãi suất |
Fed hành động để củng cố niềm tin
Liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản về mức 1,0-1,25%, TS. Nguyễn Trí hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, dù việc giảm lãi suất của Fed phù hợp với kỳ vọng của thị trường nhưng đây là một động thái bất thường. Bất thường bởi không phải là quyết định được đưa ra trong một cuộc họp chính sách theo thời gian định sẵn và liều lượng giảm của lần này rất mạnh, gấp đôi so với các lần tăng trước đây. Cấp độ bất thường và liều lượng lớn đó cho thấy họ đang cần những hành động mạnh để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những biện pháp trấn an từ chính quyền Mỹ vừa qua đã không đủ để trấn an các nhà đầu tư trong bối cảnh các nhà đầu tư trong gần 2 tuần qua rất hoang mang và gần như họ rơi vào tình trạng hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu.
Đánh giá về tác động TS. Hiếu cho rằng, trong bối cảnh bình thường thì các quyết định của Fed sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu tác động của dịch Covid-19 thì quyết định của Fed chỉ có tính chất hỗ trợ phần nào. “Nền kinh tế toàn cầu có hai thị trường: Thị trường hàng hoá và thị trường tiền tệ. Hiện dịch Covid-19 đang tác động mạnh nhất tới chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường hàng hoá, nên những giải pháp trên thị trường tiền tệ chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho những gián đoạn và tác động mạnh ở thị trường hàng hoá mà thôi”, chuyên gia này phân tích.
Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, động thái cắt giảm mạnh lãi suất của Fed lần này được lý giải ở 3 điểm: Hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đối phó với những rủi ro từ dịch Covid-19, nhất là giảm thiểu tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu dùng (giảm cú sốc cầu). Qua đó, giúp nền kinh tế đạt được những mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả. Động thái này thể hiện việc Fed cần có hành động để củng cố niềm tin, ổn định thị trường tài chính.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu động thái giảm lãi suất khẩn cấp này đã đúng bệnh? Theo các chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, khó khăn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế, người dân và DN là dòng tiền, thanh khoản, những hỗ trợ tức thì và niềm tin (trong khi CSTT như giảm lãi suất cơ bản lại có độ trễ). Vì thế, quyết định giảm lãi suất của Fed dường như chưa phải là thuốc chữa đúng bệnh, nhất là trong bối cảnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Thậm chí, động thái giảm mạnh lãi suất này chứng tỏ kinh tế Mỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước và vì vậy thị trường đã có phản ứng trái chiều sau quyết định này.
Trong đối phó với dịch bệnh, chính sách tài khóa (CSTK) dường như được mong đợi hơn tại thời điểm này. Quốc hội Mỹ đang bàn thảo đưa ra gói hỗ trợ khoảng 7,5 tỷ USD để giúp phòng chống dịch bệnh. Bộ Tài chính Mỹ cũng đang dự tính đẩy mạnh đầu tư công và nới lỏng quy định đối với ngân hàng để các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn. Tổng thống Mỹ Trump cũng kêu gọi giảm phí bảo hiểm xã hội trong một năm… Đây mới chính là những hỗ trợ mà người dân và DN Mỹ mong đợi hơn cả trong lúc này.
Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô
Trong bối cảnh xu hướng lãi suất trên thế giới đang giảm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các giải pháp về mặt tiền tệ chỉ giúp hỗ trợ phần nào. Còn theo TS. Cấn Văn Lực, việc xác định đúng và trúng chính sách, công cụ hỗ trợ lúc này là rất quan trọng, trong điều kiện nguồn lực có hạn và dư địa chính sách không còn nhiều. Nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bởi làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Fed giảm lãi suất khiến đồng USD giảm giá. (Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp) |
Bên cạnh đó, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, CSTK – với tính hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn – nên được ưu tiên hơn là CSTT. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
Để hỗ trợ hộ kinh doanh và DN về dòng tiền và tính thanh khoản, NHNN đã yêu cầu các TCTD xem xét cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh… Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng. “Thời gian tới, NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí hỗ trợ để các TCTD nhất quán thực hiện và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn”, Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị.
Đối với CSTK, Chính phủ chỉ đạo sớm cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất…). Đồng thời, cần sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua). Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch.
Việc Fed giảm lãi suất khiến đồng USD giảm giá và có thể tác động đến các thị trường chứng khoán, vàng… Chính phủ cần chỉ đạo dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Đây cũng là động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và DN yên tâm làm ăn hơn.