Thêm giải pháp để giảm đầu mối kê khai và chi phí cho người nộp thuế
Cho thuê tài chính có cơ hội phát triển mới Nợ đọng thuế tại nhiều địa phương có xu hướng tăng cao Thu hồi nợ thuế trên cơ sở tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp |
Cơ quan thuế đã thu hàng ngàn tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử |
Thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế
Gần đây, phiên livestream bán hàng trên TikTok của tài khoản “Quyền Leo Daily” kéo dài hơn 17 tiếng với doanh thu lên đến gần 100 tỷ đồng đến từ hơn 100 mặt hàng của các thương hiệu ngành mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, điện tử, thời trang... Trước đó, tài khoản Võ Hà Linh cũng đã có phiên lives lập kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD... Điều này đặt ra nhiều ý kiến liên quan đến việc quản lý chống thất thu thuế đối với những buổi livestream bán hàng cũng như trên các sàn thương mại điện tử cho cơ quan thuế hiện nay.
Trả lời báo chí trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng là hoạt động được phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, thời gian qua, cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả các đối tượng tham gia hoạt động để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó tự tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động này với đối tượng là cá nhân và hộ kinh doanh.
Theo số liệu trong vài năm gần đây của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý thuế các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có livestream bán hàng, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313). Tại đây, tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng. |
Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này trong thời gian tới, ngành Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Tăng cường phối hợp và truyền thông trong quản lý thuế
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong thời kỳ phát triển nền Kinh tế Số, kinh doanh thương mại điện tử trở nên phổ biến với các hình thức ngày càng đa dạng, ngành Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này. Trong đó, giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng yêu cầu tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đại diện Bộ Tài chính phân tích, các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, nắm được đầy đủ các thông tin về người mua và các giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Do đó, sàn thương mại điện tử có thể thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn.
Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế thay. Do đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp với cơ quan thuế truyền thông các quy định về quản lý thuế để các đối tượng liên quan chủ động thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, tránh xảy ra các trường hợp vi phạm phải kiểm tra, xử lý như trong thời gian vừa qua.
Ngoài những giải pháp nêu trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, cũng cần có các hình thức tuyên truyền, biểu dương các cá nhân nộp thuế cao cũng như nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe. Bên cạnh đó, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng.