Thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực
Báo cáo nhận định, nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 (tăng 6,1%) sau khi suy giảm mạnh năm 2020 (-3,1%). Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp khiến hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao (từ mức 2% năm 2020 lên 3,8% năm 2021) đã buộc các nước tính đến thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, qua đó khiến đà phục hồi kinh tế chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng, dù vẫn trong tầm kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính toàn cầu về cơ bản vẫn hoạt động an toàn, phục hồi và tăng trưởng tích cực với chỉ số chứng khoán (MSCI) toàn cầu tăng 18,5%. Bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, giảm điểm trở lại trong khi lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm toàn cầu tiếp tục phục hồi, dù chậm hơn.
Nhận định về Việt Nam, báo cáo cho rằng trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới năm 2020-2021 gặp nhiều khó khăn, có khả năng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021, tăng trưởng quý cuối năm 2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% quý III/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%.
Trong bối cảnh đó và phù hợp xu hướng tăng chung của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai (tương đương khoảng 4% GDP trong hai năm 2022-2023), một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt; năng lực tài chính của các định chế tài chính được tăng cường trong những năm qua; khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, gia cố phòng chống rủi ro được đẩy mạnh... Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng trưởng 49,5%.
“Ngân hàng số tăng nhanh với dịch vụ mobile banking tăng 75% về số lượng giao dịch, tăng 87% về giá trị giao dịch, ngành Ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 (khoảng 52 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 20-25 nghìn tỷ đồng năm 2022)’’, báo cáo cho biết.
Triển vọng năm 2022
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, báo cáo dự báo có thể phục hồi tốt hơn, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên đạt mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.
Trong lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận toàn Ngành năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức khoảng 14-15%. Vấn đề hoàn thiện thể chế (gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới…), phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.
Với chứng khoán, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn. Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ dự kiến không đổi so với năm 2021 do quy mô đáo hạn trái phiếu chính phủ thấp hơn các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại nợ công.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm năm 2022 được dự báo duy trì tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18-20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng.
Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống (nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản) được quan tâm kiểm soát tốt hơn, cũng là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường.