Thị trường trong nước tiếp tục ổn định
Thị trường trong nước tiếp tục ổn định |
Trong giai đoạn quý I, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân. Từ quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%.
Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.
Nhìn chung, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay; mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hoạt động thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây (không tính giai đoạn 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là 9%.
Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, đặc biệt trong thương mại điện tử còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.