Thiếu cơ chế cụ thể phát triển điện khí LNG tại Việt Nam
Phát triển điện khí LNG là xu hướng tất yếu Cần quy hoạch tổng thể thị trường điện khí Tìm giải pháp để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và Hydrogen |
Để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD, cần hoàn thiện khung pháp lý. |
Nhiều rào cản phát triển điện khí
Theo TS. Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), xu hướng về cơ cấu điện năng trong thời gian tới thì nhiệt điện than sẽ giảm dần từ 40% vào năm 2030 xuống còn khoảng 30% vào năm 2045; nhiệt điện khí sẽ tăng dần từ 24-26% vào năm 2030 lên trên 28-30% vào năm 2045.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí LNG tại Việt Nam cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG. Việc xây dựng nhà máy điện LNG cũng đòi hỏi phải gần vị trí kho cảng nhập LNG trong khi kho cảng nhập LNG thì lại yêu cầu phải xây dựng gần cảng nước sâu để phục vụ cho tàu LNG trọng tải lớn.
Vì vậy, cùng với yêu cầu vị trí xây dựng có thể đấu nối vào lưới truyền tải thì yêu cầu liên quan đến kho cảng LNG cũng đang là thách thức với các nhà đầu tư hiện nay.
Theo Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới, trong đó năng lượng chiếm gần 45%. Quy mô 22.400 MW điện LNG đòi hỏi vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, tương đương gần 500 nghìn tỷ đồng.
Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), rào cản về chính sách, nguồn vốn, thị trường khiến cho đầu tư nhiệt điện khí LNG không dễ dàng. Quy trình cấp phép của các dự án LNG tại Việt Nam được đánh giá là phức tạp. Mô hình BOT và nhà máy điện độc lập (IPP) cho lĩnh vực điện khí LNG không còn dễ dàng.
IEEFA cho biết, giới đầu tư nước ngoài đã bày tỏ lo ngại khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề vướng mắc nhất vẫn là các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa được thống nhất, hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là các cơ chế để đưa được nguồn LNG ra thị trường, cung cấp cho các nhà máy điện; đàm phán giá, cước phí, hợp đồng mua bán điện;…
Theo các quy định và cơ chế vận hành thị trường điện hiện nay, các dự án điện LNG chưa có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện.
Giá thành nhà máy điện khí LNG cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện.
"Rõ ràng, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa có cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Nếu không tháo gỡ được rào cản giá điện LNG thì các dự án điện khí sẽ rất khó triển khai.
Đối với điện khí LNG, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải có một khung giá điện riêng được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG... Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các Nhà máy điện khí LNG thì việc cam kết tổng sản lượng mua điện hàng năm (Qc) và bao tiêu sản lượng khí hằng năm cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.
Bởi việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án cũng như mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.
Do chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG, nên cũng chưa biết đàm phán mức bao nhiêu là hợp lý, mức giá LNG thế giới biến động mạnh, có thời điểm lên tới 30 USD/triệu BTU, nên giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Các dự báo quốc tế đánh giá sau vài năm nữa giá LNG sẽ ổn định trở lại ở mức 10 - 11 USD/triệu BTU, khi chuyển sang giá điện sẽ ở mức 9 - 10 US Cent/kWh.
Theo TS Vũ Đình Ánh, ngay từ năm 2024 Quốc hội cần có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí LNG nhằm xóa bỏ những rào cản nêu trên, đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG. Các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.