Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng làm việc với hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long
Tham dự phiên họp, tại điểm cầu của NHNN Việt Nam có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Thành viên Chính phủ (chủ trì); đại diện một số bộ, ban, ngành cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre có Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh; điểm cầu Vĩnh Long có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính cùng đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Long; đại diện các sở, ngành có liên quan trên địa bàn 2 tỉnh.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khích lệ
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, 9 tháng đầu năm 2024 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rất trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương tình hình kinh tế 9 tháng đạt kết quả khởi sắc thể hiện qua các chỉ số. Cụ thể, GDP tăng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao so với thế giới, khu vực. Trong khi đó kiểm soạt lạm phát ở mức khoảng 4% nhiều khả năng trong năm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội đề ra. Tất cả chỉ số về phát triển theo các ngành kinh tế có sự tăng trưởng đặc biệt thu ngân sách Nhà nước tăng 7,9% so với cùng kỳ, xuất nhập khẩu, vốn FDI tiếp tục tăng… “Những kết quả 9 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ”, Thống đốc bày tỏ vui mừng và cho biết thêm, thực hiện quyết định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạocủa Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 435/QĐ-TTg về phân công các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với địa phương, Quyết định số 853/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, thời gian qua, Thống đốc NHNN – thành viên Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long tổ chức 5 cuộc họp cả trực tiếp và trực tuyến để thực hiện chỉ đạo nhiệm vụ của Thủ tướng tại 2 Quyết định trên.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo |
Đối với tỉnh Bến Tre từ năm 2023 đến nay có 53 kiến nghị, trong năm 2023 có 29 kiến nghị được xử lý; từ đầu năm 2024 đến nay có 24 kiến nghị đã xử lý được 12 kiến nghị còn lại đang được các cơ quan tiếp tục xử lý… Đối với tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2023 đến nay có 15 kiến nghị, trong đó năm 2023 đã xử lý 6 kiến nghị. Còn từ đầu năm 2024 đến nay có 9 kiến nghị và đã xử lý được 7 kiến nghị. Đoàn Công tác trực tiếp Thống đốc đã ký 8 văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ và gửi tới các bộ ngành liên quan xử lý các kiến nghị của hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long.
Có thể nói, việc phân công thành viên Chính phủ xử lý kiến nghị tại địa phương cho thấy sự sát sao xử lý kịp thời các kiến nghị cũ cũng như nắm bắt kiến nghị mới để giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn vướng mắc.
Trên tinh thần đó, Thống đốc đề nghị tại buổi làm việc hôm nay sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả xử lý kiến nghị của địa phương tại các cuộc làm việc trước đây; nắm bắt kiến nghị mới của các địa phương từ đó có giải pháp khắc phục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn báo cáo tại buổi làm việc |
Báo cáo với Thống đốc - Thành viên Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, năm 2024, với mục tiêu nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6,5% trở lên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt triển khai các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt được một số kết quả quan trọng: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tính đạt 5,27%; Kim ngạch xuất khẩu đến cuối tháng 9 tháng ước đạt 1.225,6 triệu USD, tăng 14,02% so cùng kỳ và đạt 70,03% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng hàng: Hàng CN-TTCN đạt 913,51 triệu USD, tăng 13,01% so với cùng kỳ; nhóm hàng rau quả đạt 238,71 triệu USD tăng 16,28%; thu NSNN trên địa bàn là 4.832,9 tỷ đồng, đạt 83,04% so với dự toán trung ương, đạt 81,78% so với địa phương tăng 19,18% so với cùng kỳ; hoạt động du lịch phục hồi tốt, lượng khách và doanh thu tăng khá cao so cùng kỳ (lượng khách tăng 15,05% và tổng thu tăng 14,99% so cùng kỳ...
Về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển an toàn, ổn định, tuân thủ pháp luật, vốn tín dụng tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương; các giải pháp hỗ trợ khách hàng tiếp tục được triển khai quyết liệt, có trách nhiệm. Đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay toàn Ngành đạt 65.456 tỷ đồng, tăng 6,0% so đầu năm, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2023; doanh số cho vay lũy kế 9 tháng đạt 74.721 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2023; nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 59.943 tỷ đồng, tăng 5,5% so đầu năm, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2023. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm so đầu năm; thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tăng trưởng nhanh về số lượng và giá trị. Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh chiếm 70,0% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát an toàn (nợ xấu chiếm khoảng 1,8%/tổng dư nợ).
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh |
Đối với tỉnh Vĩnh Long, ông Đặng Văn Chính cho biết, bám sát các nhóm nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động và phân công cụ thể đảm bảo các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Sau 9 tháng các chỉ số kinh tế xã hội của toàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 ước tính tăng 3,66% so với tháng trước. IIP lũy kế 9 tháng tăng 12,75% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,98%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,98%, cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,99%, riêng ngành khai khoáng giảm 61,9%. Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp đều có mức sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có mức sản xuất tăng mạnh như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 27,94%; sản xuất trang phục tăng 23,73%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,36%,... Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng ước đạt 107,6 triệu USD, tăng 10,25% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 738,7 triệu USD, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng có mức xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần làm tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chung, trong đó đáng kể là: giày da tăng 37,41%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 80,47%, hàng rau quả tăng 214,32%, túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 53,09%,...
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng ước thực hiện được 5.055 tỷ đồng, đạt 84,99% dự toán năm, tăng 9,79% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa đạt 4.952 tỷ đồng, đạt 83,97% dự toán năm và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Hầu hết các khoản thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2024 của Ngân hàng nhà nước. Đến 31/8/2024, dư nợ đạt 48.524 tỷ đồng, tăng 1.651 tỷ đồng (+3,52%) so với cuối năm 2023; nợ xấu là 1.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,81%/tổng dư nợ, tăng 0,95 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục các khó khăn để đạt được mục tiêu
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ, Đoàn Công tác đã kịp thời xử lý kiến nghị của địa phương trong thời gian qua. Mới đây nhất, ngày 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1120/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng.
Để kịp thời gỡ khó khăn vướng mắc, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được lãnh đạo 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đề xuất một số kiến nghị tới Thành viên Chính phủ, bộ, ban, ngành. Đối với Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Tiểu dự án 3 - Dự án 4 (Hỗ trợ việc làm bền vững), theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn đầu tư phát triển trung ương phân bổ chỉ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre không có huyện nghèo nên nguồn kinh phí 12,007 tỷ đồng không giải ngân được. Do đó tỉnh Bến Tre, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách đối với xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển khi được công nhận lên nông mới hoặc phường, thị trấn; hướng dẫn hoặc có tiêu chí xác định hộ có thu nhập thấp. Hiện tại, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu và xuống cấp, hư hỏng. Do đó, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cho chuyển nguồn vốn đầu tư phát triển 12,007 tỷ đồng chưa sử dụng sang thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 1) theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15. Ngoài ra đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề tại Điều 68 Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính trùng với đối tượng đào tạo nghề đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần có quy định rõ đối tượng thụ hưởng để tránh chồng chéo giữa 02 chương trình.
Đối với Vĩnh Long, ông Đặng Văn Chính đề xuất sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành, đánh giá cao những kết quả kinh tế xã hội của 2 tỉnh trong 9 tháng đầu năm. Ngoài ra, đại diện một số bộ, ngành giải đáp/trả lời một số kiến nghị của địa phương.
Phát biểu kết luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua báo cáo cho thấy, hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; các kết quả có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện qua các chỉ tiêu, con số được báo cáo, chia sẻ trong buổi làm việc. Như tỉnh Bến Tre đã đạt được một số kết quả nổi bật, GRDP tăng 5,27% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu tăng trên 14%; Cả 03 động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều có sự cải thiện. Đối với Vĩnh Long, GRDP khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,05% (cao hơn mức tăng của cả nước là 6,95%); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kì, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 37,82% (cao hơn mức tăng của cả nước là 15,4%)... Về phía các bộ, ngành đã rất tích cực trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Có thể nói, tình hình kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long trong 09 tháng đầu năm tiếp tục được cải thiện so với cuối năm 2023 và so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tại cuộc họp cùng đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; Tăng trưởng dư nợ thấp so với cùng kỳ nguyên nhân do yếu tố thời vụ, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế; Công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do một số nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện, chưa đảm bảo về năng lực tài chính, trong quá trình thực hiện còn có tranh chấp, khiếu kiện.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 (Bến tre là 6,5%, Vĩnh Long là 6,5%), trong các tháng tới của năm 2024, các tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng ngày 07/10/2024; chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)...; đồng thời, chủ động phối với hợp các Bộ ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, Thống đốc đề nghị NHNN Chi nhánh các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long đẩy mạnh hoạt động ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thực hiện tốt các chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, các chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực, thế mạnh của tỉnh như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy sản, đầu tư cho các lĩnh vực động lực kinh tế (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm… theo chủ trương của Chính phủ, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đồng thời, đóng góp vào thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của các tỉnh đã đề ra.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, trên cơ sở Báo cáo của tỉnh, ý kiến của thành viên Đoàn công tác tại buổi làm việc ngày hôm nay, Đoàn Công tác sẽ tiếp tục tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 716/TTg-QHĐP ngày 24/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt Đoàn Công tác của Chính phủ, Thống đốc hy vọng tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long phát huy những thành tựu đã đạt được; khắc phục các khó khăn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025 như kế hoạch đề ra.