Thống nhất các quy định chuyển tiền ra nước ngoài
Theo quy định hiện nay, các NHTM được phép chuyển tiền ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân phải thực hiện xây dựng quy trình theo quy định của Chính phủ và NHNN trên nguyên tắc tự do hóa các luồng vốn.
Ảnh minh họa. |
Điều 7, Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối về các hoạt động ngoại hối của người cư trú, người không cư trú tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài với mục đích: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp được chuyển, mang ra nước ngoài, trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài.
Tổ chức tín dụng được phép cung cấp dịch vụ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
Bên cạnh đó, Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng quy định rất rõ: Cá nhân và pháp nhân chuyển tiền ra nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký khoản vay đối với số lượng vốn được chuyển dựa trên tiến độ thực hiện dự án.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn do lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHTW các quốc gia cũng tăng lãi suất để hạn chế sự mất giá của đồng bản tệ, dòng chảy vốn trên toàn cầu sẽ dịch chuyển đến những nơi có hiệu quả hơn. Những dịch chuyển này sẽ khiến hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), thời gian qua các hợp đồng giao dịch vốn, nhất là đầu tư ra nước ngoài ít xảy ra sai phạm. Sai phạm phổ biến nhất là các hợp đồng tự do hóa giao dịch vãng lai, hoạt động chuyển tiền cho tặng với số lượng tiền lớn nhưng người nhận chưa định cư.
Có trường hợp, NHTM bán ngoại tệ chuyển tiền ra nước ngoài nhưng lại không giám sát chặt giá ngoại tệ của nước sở tại, giao dịch chuyển tiền một chiều bị lách luật bằng các hợp đồng mua hàng hóa, vé máy bay, chuyển tiền dưới dạng hợp đồng nhập hàng (nhưng thực tế không có hàng xuất khẩu)…
Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng sở dĩ có những sai phạm như trên là do một số NHTM phân cấp, ủy quyền cho chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới chưa chặt chẽ.
Qua kiểm tra, giám sát của Vụ Quản lý ngoại hối cho thấy, chi nhánh và phòng giao dịch không có dữ liệu tốt dẫn đến tình trạng khách hàng sử dụng nhiều ngân hàng chuyển tiền một lúc. Vì vậy, Vụ thường xuyên bổ sung các quy định và cập nhật các giao dịch thương mại điện tử để đảm bảo an toàn trước các phương tiện thanh toán ngày càng đa dạng.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, NHTM được phép triển khai các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới phải xác định ngân hàng có trách nhiệm thay mặt Nhà nước kiểm tra, kiểm soát chứng từ nhằm hạn chế tối đa tình trạng giả mạo hồ sơ, chứng từ.
Đặc biệt khi chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng, NHTM phải kiểm tra nguồn gốc của nguồn tiền và dòng tiền có giao dịch thực tế, tránh tâm lý NHTM chỉ thực hiện dịch vụ và thu phí.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) cho biết, các hành vi vi phạm chuyển tiền xuyên biên giới của các tổ chức quốc tế ngày càng tinh vi, đòi hỏi NHTM - đơn vị giữ vị trí “tiền đồn” trong hoạt động thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các giao dịch để vẫn đảm bảo tự do luân chuyển dòng vốn và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Hiện nay, đã có khá đầy đủ các quy định về hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài như: mua, bán ngoại tệ của tổ chức, cá nhân để thanh toán, chuyển tiền cho các mục đích được phép… Tuy nhiên, do các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến các NHTM khó tra cứu trong quá trình triển khai nghiệp vụ chuyển tiền ra nước ngoài và thanh toán các giao dịch vãng lai.
Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, nhằm hạn chế nhầm lẫn trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới, NHNN và các cơ quan liên quan sẽ tích hợp và thống nhất các quy định vào một văn bản hợp nhất và hoàn thiện quy định pháp luật để phù hợp với thực tế phát sinh.
Theo đó, NHNN sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.