Thủ tướng đồng ý để Bộ TT&TT nghiên cứu mô hình tổ hợp báo chí Nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh:VGP |
Chiều 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng “con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam”. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với cụm từ được sử dụng nhiều tại Hội nghị là “sáng tạo và khát vọng Việt Nam” và khẳng định Chính phủ sẽ đóng góp vào khát vọng đó.
Theo Thủ tướng, Bộ đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tuyên truyền, đặc biệt, “các đồng chí đã đưa ra được định hướng lớn để làm kim chỉ nam cho sự phát triển của Bộ”.
Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, có đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo ra một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, trước hết, vụ AVG là vụ việc nặng nề, đau lòng, làm chậm đi sự phát triển của ngành, mất nhiều cán bộ. Bộ cần coi đây là bài học đắt giá và cũng từ đây, phải mạnh mẽ vươn lên, “vấp nhưng không được ngã”.
Thủ tướng cũng nhìn nhận, thứ hạng Việt Nam về các lĩnh vực của Bộ còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tầu cả thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều. Lĩnh vực ICT vẫn chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng 4.0.
Vai trò của một số Sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Nhân Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ hiện nay chưa có chủ trương sáp nhập Sở TT&TT vào bất cứ Sở nào.
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về việc mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa được quản lý tốt. Cùng với đó, chúng ta có 17.000 nhà báo nhưng chưa đồng tâm, hiệp lực phát triển đất nước.
Từ các phân tích nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra các định hướng, trả lời các kiến nghị của Bộ TT&TT trên từng lĩnh vực cụ thể.
Thủ tướng đồng ý Bộ TT&TT trình Chính phủ Nghị định về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu; đồng ý cho thí điểm tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước hết thí điểm ở một đơn vị viễn thông.
Thủ tướng đồng ý để Bộ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ mô hình trung tâm hoặc tổ hợp báo chí Nhà nước.
Đồng ý với phương hướng đầy trách nhiệm, thậm chí là tham vọng về một Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ nặng nề. Đó cũng là đặt hàng, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành TT&TT. Trước hết, Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số. Thứ hai là khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam, Bộ TT&TT phải dẫn dắt việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ ICT của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định rằng, nền kinh tế số, kinh tế dữ liệu chính là một phần quan trọng, tương lai của toàn bộ nền kinh tế. Chính sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin sẽ góp phần thay đổi tư duy, hoạt động chính sách, tạo ra kỳ vọng đi tắt đón đầu chưa từng có đối với Việt Nam. Nhiệm vụ này rất quan trọng.
Đối với thông tin tuyên truyền, Thủ tướng bày tỏ, với vai trò quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT phải làm sao để báo chí nước ta góp phần tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, không được làm giảm đi sức mạnh quốc gia, niềm tự hào, ý chí vươn lên, đoàn kết một lòng. Triển khai nghiêm túc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý báo chí tốt hơn nữa. Bộ TT&TT phải sử dụng đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để xử lý các vi phạm của mạng xã hội.
Bày tỏ lo ngại về một số biểu hiện gần đây của báo chí như tống tiền doanh nghiệp, một số tờ báo tổ chức “đánh hội đồng” doanh nghiệp và cán bộ có liên quan, moi móc đời tư, vi phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm bảo vệ thương hiệu Việt Nam hay đưa tin giật gân, câu khách, không có động cơ trong sáng..., Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra các nguyên tắc xử sự, quy tắc nghề nghiệp, chế tài xử lý minh bạch, công khai hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Phát triển báo chí, quản lý báo chí để phục vụ sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu là việc quan trọng của quản lý Nhà nước về báo chí.
Vui mừng các sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, trong đó có mạng Zalo với 45 triệu người sử dụng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng mạng xã hội Việt Nam có số lượng người dùng không kém mạng xã hội nước ngoài. Bộ TT&TT cần lành mạnh hóa trên không gian mạng, người tham gia phải chính danh, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai, tin vu khống, lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ./.