Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đánh giá, Diễn đàn Châu Á Thái Bình Dương là cơ hội tuyệt vời để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề chung và cùng nhau bàn các giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, các nền kinh tế khu vực nói chung vượt qua khó khăn, thách thức, tăng trưởng và phát triển bền vững, hợp tác vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn |
Kinh tế thế giới vốn chưa phục hồi được từ sau đại dịch COVID-19, lại phải chịu áp lực của những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang nêu trên, cùng với sự tác động ngày càng gay gắt, cực đoan của biến đổi khí hậu khiến việc kết nối lại các chuỗi cung ứng, dòng chảy đầu tư, thương mại gặp khó khăn. Nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo; Lạm phát vẫn chưa giảm ở nhiều nền kinh tế lớn, dẫn tới việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước này, càng làm cản trở quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Mặc dù vậy, gần đây những triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên như một trung tâm năng động, duy trì được xu thế tăng trưởng kinh tế cao so với thế giới, cùng những bước tiến mới trong hợp tác với trên 350 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được các nước trong khu vực ký kết với nhau và với các đối tác ngoài khu vực. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, khu vực này cũng đã trở thành trọng tâm cạnh tranh chiến lược địa chính trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột, đe dọa hòa bình và phát triển ổn định của khu vực. “Trong bối cảnh đó, chúng ta càng cần phải tăng cường tình đoàn kết trong khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, bà Helen Brand, Giám đốc điều hành của ACCA nhận định, châu Á - Thái Bình Dương đang khẳng định vai trò trung tâm, ảnh hưởng đến các vấn đề toàn cầu, điều hướng các dòng chảy thay đổi và tạo ra các cấu trúc kinh tế và đặt ra các tiêu chuẩn mới. Bà Helen Brand cũng cho rằng, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo và chuyên gia kinh doanh mới, được trang bị các thái độ và triết lý mới về cách hoạt động kinh tế.
Đại diện các bên thảo luận tại Diễn đàn |
Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2% so với cùng kỳ. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư mới; Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới; Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước... Tập trung thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP28.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Ông Hưng nhận định, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Diễn đàn ACCA Châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày 28-29/5. Diễn đàn sẽ tập trung vào một số cuộc thảo luận nhóm và các phiên tương tác, bao gồm: Tài chính bền vững và Tích hợp ESG; chuyển đổi số trong ngành Tài chính; xu hướng quy định và tuân thủ; tương lai công việc trong ngành Tài chính…
Ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Diễn đàn ACCA Châu Á - Thái Bình Dương cung cấp cơ hội không giới hạn cho cộng đồng doanh nghiệp và tài chính trong khu vực nhằm chia sẻ kiến thức và khám phá các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đương đại. Bằng cách tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận quan trọng này, chúng tôi trang bị cho các chuyên gia khả năng thúc đẩy sự thay đổi tích cực, tăng cường bền vững và chấp nhận biến đổi số, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.”