Thúc đẩy tín dụng phát triển kinh tế địa phương
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, sự linh hoạt và năng động của từng TCTD trong việc cung ứng tín dụng cùng sự đồng hành chia sẻ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 đã làm nên một bức tranh hoạt động của ngành đầy màu sắc, tạo nền tảng cho kinh tế tỉnh bứt phá trong năm 2022 dù vẫn được đánh giá là còn nhiều khó khăn, thách thức...
Giám đốc VietinBank Chi nhánh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của mình vận dụng tối đa các giải pháp, biện pháp để đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp và người dân hỗ trợ phát triển kinh tế tỉnh, Chi nhánh tiếp tục có những bước phát triển mạnh trong năm 2021, nguồn vốn tăng 13,6%, dư nợ tăng 16%.
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tạo thị trường cho các tổ chức tín dụng |
Năm qua, VietinBank đã giải ngân ưu đãi cho hơn 3.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với doanh số giải ngân trên 5.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất cho vay khách hàng giảm từ 2-2,5%. Riêng Chi nhánh Vĩnh Phúc đã giảm 7,6 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lãi suất cho vay lĩnh vực thiết yếu giảm từ 2,5-3%. Chi nhánh cũng đã linh hoạt áp dụng gói tín dụng hỗ trợ lãi suất hơn 60 ngàn tỷ đồng của VietinBank để hỗ trợ khách hàng, đồng thời triển khai kịp thời việc cơ cấu nợ, giãn hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/TT-NHNN; đồng thời triển khai đường dây nóng và các kênh thông tin điện tử để chủ động tiếp cận giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, Agribank Vĩnh Phúc phát huy sứ mạng của một NHTM 100% vốn nhà nước kinh doanh phục vụ nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp nông thôn. Đến 31/12/2021, dư nợ đạt 12.053 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2020. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 8.858 tỷ đồng, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn đạt gần 12.700 tỷ đồng phục vụ 20.000 khách hàng. Trong năm qua Chi nhánh đã chủ động giảm đồng loạt 10% lãi suất cho vay với 22.300 khách hàng đang còn dư nợ gần 10 ngàn tỷ đồng tại thời điểm 15/7/2021, với số tiền thực lãi giảm là 41,2 tỷ đồng. Miễn giảm tiền lãi cho khách hàng có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro xấp xỉ 15,5 tỷ đồng. Như vậy tổng số tiền miễn giảm lên tới gần 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó hỗ trợ công tác an sinh xã hội hơn 1,7 tỷ đồng.
Những nỗ lực của từng TCTD trên địa bàn theo định hướng và giám sát của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc gắn tín dụng với chiến lược, kế hoạch kinh tế của tỉnh, thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh đã trở thành một nguồn lực lớn góp phần đầu tư, thúc đẩy kinh tế tỉnh phục hồi và phát triển. Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Duy Chinh cho biết, đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng trên địa bàn đạt 101.393 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020 (cao hơn mức tăng bình quân cả nước là 12,97%). Cùng với việc thực hiện đề án xử lý nợ xấu, nâng cao kiểm soát, ngăn chặn nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ.
Cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,5% tổng dư nợ). Các ngân hàng tập trung cho vay đối với hộ gia đình, tư nhân, cá thể (chiếm 51,74% dư nợ), góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình, hạn chế tín dụng đen; khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty TNHH (chiếm 42,23% dư nợ) tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với dịch bệnh, ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Chia sẻ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối năm 2021, tổng số tiền lãi các ngân hàng trên địa bàn đã hỗ trợ khách hàng bằng biện pháp hạ lãi suất là 173 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến sẽ hạ tiếp là 46 tỷ đồng. 120 khách hàng được miễn giảm lãi với số tiền 5,1 tỷ đồng... Các TCTD trên địa bàn thực hiện các chương trình miễn, giảm phí cho khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm đạt 15 tỷ đồng. NHCSXH cũng đã giải ngân đối với 04 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 200 lao động, dư nợ đạt 720 triệu đồng; 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, dư nợ đạt 1,1 tỷ đồng...
VietinBank Vĩnh Phúc đã nỗ lực vượt khó trong đại dịch, đạt những bước phát triển ấn tượng |
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2021 của tỉnh với 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra; Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc. Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 114,27 triệu đồng/người (tăng 8,8 triệu đồng/người so với năm 2020). Thu ngân sách đạt 32.896 tỷ đồng, đạt 107,2% kế hoạch đề ra.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đặt mục tiêu chủ động triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, đặc biệt Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, toàn ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn từ 12-14%; tăng trưởng tín dụng từ 14-16%; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, tỷ lệ chiếm dưới 2% tổng dư nợ.
Để đạt được mục tiêu trên, Agribank Vĩnh Phúc mong muốn tỉnh xây dựng một quy hoạch thật sự tiên tiến không chỉ là định hướng cho 5 năm, 10 năm hay 20 năm mà phải là niềm tự hào của người dân toàn tỉnh, từ quy hoạch vùng, quy hoạch lãnh thổ cho đến không gian kiến trúc với một không gian sống mở. “Chúng tôi là ngân hàng thương mại cũng mong muốn có nhiều dự án. Đúng là ngân hàng đi tìm khách hàng nhưng mà đi tìm ở đâu nếu thực tại trong nền kinh tế của chúng ta không có dự án lớn, dự án có hiệu quả”, ông tâm tư và đề xuất tỉnh cùng các cấp, các ngành cần có chính sách mời gọi thu hút được nhiều dự án đầu tư để ngân hàng có thêm thị trường, có thêm khách hàng.
Giám đốc VietinBank Chi nhánh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Kiên đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có TCTD về thuế, phí và các điều kiện hỗ trợ nhiều hơn để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống.
Nhìn nhận từ góc độ cá nhân và chi nhánh, ông Kiên cho biết các DNNVV, doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc. “Chúng ta có các ưu đãi và trải thảm cho các FDI nhưng đối với doanh nghiệp trong nước chúng tôi đề xuất UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ như quy hoạch vùng, quy hoạch cụm, khu công nghiệp, có chính sách phát triển để họ tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp của tỉnh”, ông Kiên đề xuất.
Cũng theo ông Kiên, Vĩnh Phúc có rất nhiều làng nghề có thế mạnh nhưng sự phát triển còn tự phát, chưa có quy hoạch chiến lược, chưa có các chính sách đủ lớn để doanh nghiệp tư nhân phát triền bài bản hoặc có chiến lược dài hạn, làm giảm thế mạnh lợi thế của phân khúc này. Vì vậy, tỉnh cũng cần có quy hoạch làng nghề cả về mặt bằng và chính sách hỗ trợ cho đối tượng khách hàng này. Nếu có được sự hỗ trợ này sẽ tạo ra một thị trường rất lớn cho các TCTD.
Song song với đó, tỉnh cần có giải pháp tăng hiệu quả đầu tư công bằng việc phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, đầu tư, tài chính để NHTM có thể tham gia chủ động vào kế hoạch này, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thi công. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các TCTD thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến, dịch vụ công, phục vụ đời sống xã hội; tạo điều kiện cho các TCTD có cơ sở mặt bằng ở trung tâm thị tứ, thị trấn để xây dựng phòng giao dịch, tăng cường tính ổn định và sự tin tưởng của khách hàng; có quy hoạch tổng thể về tài chính, ngân hàng để phát huy tối đa công năng của một ngành dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển góp phần ổn định kinh tế, xã hội của tỉnh.