Thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc: Vẫn chưa rõ hướng đi nào tiếp theo
Khó quyết định
Vào tháng 9/2020, nhiều công ty nhập khẩu đã kiện chính quyền của ông Trump với lập luận rằng quá trình áp đặt đợt thuế quan thứ ba và thứ tư đối với hàng hóa trị giá khoảng 350 tỷ USD của Trung Quốc là quá rộng và được thực hiện một cách vội vàng. Sau khi “kế thừa” các vụ kiện này, nếu chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Biden không thể chứng minh tính hợp lý của hàng rào thuế quan đó hoặc quy trình thực hiện nó sẽ buộc phải đánh giá lại hàng chục nghìn bình luận công khai về các hình phạt thuế để có những điều chỉnh hoặc phải bồi hoàn cho các bên những gì họ đã phải trả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp ông Joe Biden (khi đó là Phó Tổng thống Mỹ) tại Nhà Trắng, Washington, D.C ngày 14/2/2012. |
Alex Schaefer, đối tác thương mại quốc tế tại Crowell, người đại diện cho một số nhà nhập khẩu cho rằng, chính phủ Mỹ đang thiếu nhân lực để xử lý lượng bình luận trên và việc hoàn lại tiền cho các nhà nhập khẩu nếu xảy ra có thể trị giá tới 80 tỷ USD. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hiện từ chối bình luận về vấn đề này. Bộ Tư pháp Mỹ - cơ quan đại diện của chính quyền trong các trường hợp pháp lý, cũng từ chối bình luận về quan điểm của chính phủ nhưng cho biết có thể mất một thời gian trước khi có kết quả cuối cùng.
Thời hạn chót đang đặt Nhà Trắng vào tình thế khó xử: Có thể vẫn phải bảo vệ chương trình thuế quan mà chính quyền tiền nhiệm đã đưa ra, đồng thời nghiên cứu các cách thức có khả năng hài hòa nó hơn. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, gần đây đã gọi chương trình thuế quan này là “một thỏa thuận kém chất lượng”, “được thiết kế kém”, và làm “tăng chi phí cho các gia đình Mỹ”.
Hiện, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng trong những lựa chọn mà các cố vấn của ông đã đưa ra về thuế quan, theo các quan chức chính quyền cấp cao. Các quan chức và những người quen thuộc với vấn đề này cho biết vẫn còn những khác biệt trong các cuộc tranh luận chính sách, với các cố vấn chính trị khuyên ông Biden nên giữ nguyên các mức thuế.
Bà Katherine Tai, Đại diện USTR - cơ quan có vai trò hàng đầu về thuế quan - đã gợi ý rằng thuế quan từ thời của ông Trump có giá trị chiến lược trong việc duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Trong khi đó, một số quan chức chính quyền đề nghị giấu tên cho biết, nhóm kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dẫn đầu lại ủng hộ việc nên dỡ bỏ ít nhất một số loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng để giảm lạm phát.
Nới thuế nhưng tăng cường điều tra về trợ cấp
Theo giới phân tích, các tác động kinh tế lên lạm phát rất khó ước tính vì không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan đều là hàng tiêu dùng và không phải tất cả các khoản chi phí phát sinh mà các nhà nhập khẩu phải gánh chịu tại cảng nhập sẽ được phản ánh vào giá mà người tiêu dùng tại quầy thanh toán cảm nhận được. Các nhà phân tích tại JP Morgan Chase ước tính rằng, nếu các nhà bán lẻ để giá bán cơ bản không thay đổi thì việc loại bỏ tất cả các loại thuế quan sẽ giúp giảm lạm phát nhiều nhất là 0,4%.
Vào giữa tháng 6, các cố vấn của Nhà Trắng xác nhận, họ đã hỏi giám đốc điều hành các doanh nghiệp bán lẻ - vốn từ lâu đã vận động hành lang để chính quyền cứu trợ các mặt hàng như xe đạp, đồ nội thất và thiết bị điều hòa không khí - là liệu việc giảm thuế có chuyển lợi ích cho người tiêu dùng hay không? Về cơ bản, câu trả lời nhận được là phép tính không đơn giản như vậy. Vì chi phí vận chuyển và nhân công của chính các công ty này cũng đã tăng lên đáng kể.
Hội đồng An ninh Quốc gia hiện ủng hộ một lựa chọn thứ ba trong cuộc thảo luận về thuế quan với Trung Quốc, theo đó đồng ý rút lại một nhóm nhỏ các thuế quan trong khi khởi động một cuộc điều tra mới về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Đây là một ý tưởng dường như đang thu hút được sự chú ý, theo các quan chức chính quyền.
“Không nghi ngờ gì khi chúng ta định hướng lại chính sách với Trung Quốc, chúng ta sẽ cần phải điều chỉnh bộ công cụ thương mại của mình trong các lĩnh vực và những khu vực mà bạn thấy mối đe dọa rõ ràng nhất từ các hoạt động của nhà nước Trung Quốc”, một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNBC, nhưng lưu ý rằng tất cả các tùy chọn trên vẫn đang trong quá trình xem xét.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào chính quyền Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp tương ứng nếu Mỹ loại bỏ một phần thuế quan hay không. Nhưng các chuyên gia chính sách đối ngoại đã gợi ý rằng việc giảm thuế quan cùng với một cuộc điều tra tăng cường có thể khiến Bắc Kinh tức giận khi hai nước tiến tới một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mối quan hệ lạnh đi và lời lẽ hùng hồn giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng gần đây có thể đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định trước khi cuộc gặp trực tiếp như vậy có thể diễn ra.
Theo Clete Willems, một đối tác tại Akin Gump, người từng là Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho Tổng thống Trump trong quá trình triển khai chương trình thuế quan với Trung Quốc nhận định: “Việc giảm thuế ở mức độ khiêm tốn vẫn có khả năng xảy ra. Nhưng chính quyền Biden có thể muốn có một khoảng thời gian sau cuộc điện đàm vừa qua với ông Tập Cận Bình và sự kiện Chủ tịch Hạ viện Pelosi có thể tới Đài Loan vì các lý do chính trị trong nước và quốc tế”.
Ngược lại, cũng theo Clete Willems, nếu chính phủ Mỹ thua trước Tòa án Thương mại Quốc tế thì những luồng gió chính trị như vậy có thể thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden tăng cường các biện pháp chống lại Trung Quốc.