Thuế thu nhập cá nhân đừng lạc nhịp chi tiêu
Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân Vì sao chưa sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân? Cách tính, mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân xa rời thực tế |
Chi tiêu và thu nhập của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh |
Ngộp thở… vì lo nộp thuế
Là một trong hơn 26 triệu người làm công ăn lương nộp thuế thu nhập cá nhân, chị Tống Khánh Linh (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) tâm sự, bắt đầu đóng thuế thu nhập cá nhân hơn chục năm nay, chị hiểu nộp thuế là trách nhiệm của người dân, nhưng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra mới thấy thật sự "ngộp thở". Dù thu nhập 26 triệu đồng/tháng nhưng chị không dành ra được đồng nào, thậm chí còn “thiếu trước hụt sau”.
Theo chị Linh, mức giảm trừ gia cảnh cho con hiện là 4,4 triệu đồng/tháng/cháu, nhưng riêng tiền học hằng tháng cho mỗi bé khoảng 4 - 5 triệu đồng, trong khi nhà vẫn đi thuê mỗi tháng là 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn chi phí cho ăn uống, quần áo, ốm đau... nên thu nhập của gia đình gần như chỉ đủ trang trải nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Bao năm nay, chị muốn được đi học nâng cao chuyên môn nhưng cũng chưa dám nghĩ tới chứ chưa nói đến chuyện mua nhà.
“Đây là những nhu cầu chính đáng, thiết yếu của mỗi người nhưng chưa được thấu hiểu, vậy thì người nộp thuế làm sao yên tâm lao động, sáng tạo và đóng góp cho ngân sách”, chị Linh tâm sự.
Không chỉ mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp, mà thời gian điều chỉnh lại quá dài. Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín phân tích, việc căn cứ vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là đúng luật, nhưng chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, bởi chờ đến khi CPI tăng 20% mới được xem xét là quá lâu, chưa kể mỗi năm vật giá lại thay đổi rất nhiều khiến quy định này không còn phù hợp. Nếu tiếp tục như vậy, Luật sẽ luôn bị lỗi thời và không theo kịp thực tế
Để đáp ứng những yêu cầu phát sinh, khắc phục được các bất cập của chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành, Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Về tiến độ của dự án Luật này, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025). Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2026), thực hiện từ năm 2027. Điều này có nghĩa, theo đúng lộ trình, phải đến năm 2027 mức giảm trừ gia cảnh mới chính thức được triển khai vào thực tiễn.
Luật không cứng nhắc để đảm bảo công bằng
Trước những tâm tư, nguyện vọng của người dân như trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng không nên cứng nhắc theo lộ trình cuối năm 2025 mới trình Quốc hội và giữa năm 2026 mới thông qua mà Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sửa ngay trong năm 2025 để có hiệu lực từ đầu năm 2026.
Ông Việt phân tích, nếu lấy 2007 là năm gốc - thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, chi tiêu và thu nhập của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh. Năm 2008, thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mỗi người bình quân tiêu khoảng 792.000 đồng. Đến năm 2022, con số này tăng 3,5 lần là gần 2,8 triệu, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê (GSO) với gần 47.000 hộ dân ở các xã, phường đại diện cả nước.
Trong khi mức chi tiêu mỗi người dân tăng như vậy, lương tối thiểu tăng 6-7 lần thì giảm trừ gia cảnh chưa bằng ba lần.
Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh không chỉ nâng lên một mức nhất định mà cần phải phân theo mức sống thực tế ở từng vùng miền. Cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng để có mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc cho tương ứng ở vùng, miền đó.
Mặt khác, để đảm bảo công bằng, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc. Đơn cử như chi phí học tập, khám chữa bệnh... phải được khấu trừ trước khi tính thuế giảm trừ gia cảnh. Bởi đây là những khoản chi phí thiết yếu, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. Các khoản này cũng tăng mạnh nhưng không được trừ trước khi tính thuế là bất cập cần sửa.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Được khẳng định, nếu đợi đến năm 2026 sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân rồi mới điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc thì quá muộn. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần phải điều chỉnh kịp thời để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ cho người dân. Do đó, thay vì chờ đợi Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng ngay đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải có tính tổng quát, không phân biệt địa phương phát sinh thu nhập nhằm tối đa hóa số người được hưởng lợi và tối thiểu hóa số người bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc áp dụng mức giảm trừ khác nhau theo vùng miền sẽ gây ra sự phức tạp, bất công và tăng gánh nặng thủ tục hành chính. Do vậy, thay vì điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo vùng, có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù cho khu vực nông thôn, nhằm thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị, ông Nguyễn Văn Được đề xuất.