Thương mại điện tử đang tạo vị thế dẫn đầu
Thương mại điện tử “chắp cánh” cho hàng Việt | |
Nhân sự thương mại điện tử: Bất cập với tăng trưởng của thị trường | |
Chống thất thu thuế thương mại điện tử |
Để chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng, thời gian qua, các sàn thương mại điện tử đã không ngừng cạnh tranh, cải tiến và ra mắt các công nghệ hiện đại để tăng thu hút người dùng. Mới đây nhất, sàn thương mại điện tử Lazada đã phát triển và cho ra mắt sản phẩm, dịch vụ tài trợ mang tên S.M.A.R.T. sử dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data)… cho phép thương hiệu và nhà bán hàng có thể tự động hóa các chiến dịch tiếp thị trên sàn thương mại điện tử, từ đó đạt được sự thuận tiện và hiệu quả cao nhất trong quản lý chiến dịch.
Ảnh minh họa. |
Tương tự, trong hành trình 6 năm có mặt tại Việt Nam, Shopee cho ra mắt hai sản phẩm mới là Shopee Mall và Shopee Premium nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng cao cấp trực tuyến ngày một tăng, giúp các thương hiệu cao cấp tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng.
Ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) cho biết, đơn vị đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ người bán hàng trên Shopee nhằm gia tăng doanh số như chương trình Bán hàng toàn cầu (Shopee International Platform), giải pháp Shopee Live giúp người bán hàng sử dụng hiệu quả tính năng livestream để đạt tỷ lệ chuyển đổi cao hơn và tăng doanh số nhanh hơn nhiều so với những người bán hàng khác…
Không chỉ vậy, đại diện một số sàn thương mại còn khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ, thanh toán và hậu cần nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người dùng và nhà bán hàng. Bởi những giải pháp này không những giúp trải nghiệm mua hàng của người dùng trở nên thú vị hơn, tiện ích hơn mà còn giúp người bán hàng tăng đơn hàng, tăng doanh thu, tối ưu hóa lợi nhuận, còn sàn thương mại điện tử giảm tỷ lệ sai sót, tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động.
Với tinh thần đổi mới không ngừng nghỉ, công nghệ trên các sàn thương mại điện tử đã giúp cho thị trường này đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo báo cáo vừa được Bộ Công Thương công bố, năm 2022, doanh thu ngành thương mại điện tử ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, thị trường này sẽ tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Trước tiềm năng của thị trường, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mong muốn các doanh nghiệp sẽ có thêm được những giải pháp hỗ trợ để phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm.
Song, một số bất cập về khung khổ pháp lý và quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực này đã tạo nên không ít vướng mắc, khó khăn cho các sàn thương mại điện tử trong quá trình ứng dụng công nghệ, đổi mới cách thức hoạt động. Do đó, một số chuyên gia khuyến nghị cần có những chính sách mang tính khuyến khích và hạn chế các quy định văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán đồng nhất, rườm rà để các sàn thương mại điện tử được phát triển hơn nữa thích ứng với nền tảng công nghệ, mang lại giá trị cho nền kinh tế.