Tìm động năng phát triển kinh tế đô thị
Thị trường bất động sản thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị |
Nghị quyết 06-NQ/TW đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 50%. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85% vào năm 2030. Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á… Những vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (Dự thảo). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có những đột phá để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Nhiều nút thắt trong phát triển đô thị
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng đô thị tăng từ 755 đô thị năm 2010 lên 859 đô thị năm 2020. Nhiều vùng có tỷ lệ đô thị hóa khá cao, như vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ đô thị hóa đạt 64,8%; vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 64,7% năm 2020. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó có sự chênh lệch cao giữa các vùng miền, tập trung phát triển quá mức vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực |
Những nút thắt này đã có phương hướng hóa giải, song TS. Phó Đức Tùng - Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khi vẽ các đô thị và hành lang kinh tế theo Dự thảo trên bản đồ lại thấy chúng hầu như không liên quan đến nhau và không có tính kết nối. Việc phân cấp đô thị trung ương hay đô thị loại 1 không theo diện tích hành chính; có những thị trấn, thị xã to hơn các quận của Hà Nội cộng lại, khiến không có cơ sở xác định diện tích nội thị, tỷ lệ đô thị hóa. Điều này sẽ dẫn tới hệ thống đô thị trong tương lai không biết đi theo chiều nào.
Ông Tùng cũng chỉ ra, sự phát triển đô thị đang mất cân đối tối ưu giữa các vùng miền như miền núi phía Bắc nhiều đô thị nhất hơn cả miền xuôi trong khi chất lượng thấp, không mang bản sắc dân tộc địa phương.
Bên cạnh đó, giữa các đô thị chính miền Trung nằm trên hành lang kinh tế Bắc Nam này ít có mối liên kết và không đủ vùng hậu phương lớn để có thể thực sự phát triển thành những vùng đô thị động lực lại có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì thế, chiến lược phát triển đô thị ở đây phải đặc biệt chú ý tới vấn đề an toàn. Tuy nhiên, vùng cồn cát ven biển có thể phát triển thành dải đô thị tầm cỡ quốc tế nếu chúng ta có tầm nhìn và quy hoạch rõ ràng tạo bãi đỗ bất động sản du lịch quốc tế, từ đó tham gia vào hệ thống đô thị sinh thái, du lịch biển toàn cầu…
Kết nối và phát huy lợi thế vùng
Từ những phân tích này, khác với Dự thảo quy hoạch chia ra làm 4 vùng đô thị động lực, ông Tùng đề xuất cấu trúc vùng kinh tế đô thị nên theo hướng hai vùng một chuỗi dài. Trong đó hai vùng đô thị trọng điểm là: Vùng Đồng bằng sông Hồng, với trục Hà Nội - Hải Phòng là lõi trung tâm, mở rộng trên toàn bộ phạm vi các tỉnh đồng bằng, ven biển và trung du bắc bộ, với quy mô dân cư lên tới khoảng 30 triệu dân, chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP; Vùng đô thị trọng điểm Nam Bộ, với trục TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu làm lõi trung tâm, mở rộng hai cánh ra miền Đông, Nam Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô dân số khoảng 50 triệu dân, tỷ trọng kinh tế khoảng 50% GDP.
Điều cốt yếu trong việc phát triển hai vùng này là chú trọng phát triển cảng nước sâu với đầy đủ hệ thống hạ tầng hậu cảng tại cửa biển và cảng hàng không quốc tế tầm cỡ lớn tại đô thị trung tâm để tăng nội lực của trục trung tâm. Đồng thời tạo kết nối giao thông chiến lược nội vùng, đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị và liên kết, hợp tác nội vùng, nhằm tạo ra hai vùng kinh tế thực sự lớn mạnh, tham gia vào thị trường quốc tế.
Ông Tùng phân tích, nếu không tăng cường được các kết nối và hợp tác nội vùng, để phát triển tự phát sẽ xảy ra việc dân cư sẽ tập trung đông vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dẫn tới quá tải tại hai vùng lõi mà không lan rộng được ra xung quanh. Mặt khác, hai hành lang kinh tế lớn là hành lang Mộc Bài - Bà Rịa Vũng Tàu và hành lang Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ tự kết nối, chạy trượt ra bên ngoài hai cực, mà không tạo ra hiệu ứng tích hợp giữa đô thị trung tâm và dải hành lang kinh tế.
Xu thế nước biển dâng cũng khiến vùng đồng bằng thấp trũng sẽ ít thuận lợi hơn cho phát triển đô thị và công nghiệp trong tương lai. Vì vậy vùng này nên hướng tới những hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao, tạo ra giá trị mới cho du lịch, môi trường.
"Không nên xác định tăng dân và quy mô đô thị ở các vùng này", ông Tùng khuyến nghị. Thay vào đó là có định hướng phát triển vùng trung du bằng phẳng và cao: phía Bắc từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Việt Trì, Phú Thọ ra tới Hải Phòng, Quảng Ninh; phía Nam là khu vực các tỉnh miền Đông, có thể lan tỏa tới vùng Nam Tây Nguyên; vùng trung du phía Tây quốc lộ 1A. Những vùng này sẽ có sự gia tăng về sản xuất và dân cư lớn so với trước đây. Vì thế nhiệm vụ chính là cần có sự chuẩn bị về quỹ đất và hạ tầng lớn, để thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp lớn và đô thị công nghiệp mới.
Đối với những khu vực vùng cao có thể phát huy những bản sắc văn hoá địa phương, làm nền tảng cho việc tăng trưởng kinh tế chủ yếu từ du lịch. Trong đó cần tạo ra đầu mối liên kết với các nền văn minh lớn hơn trong vùng để tạo ra những nguồn thu và sinh kế mới cho các khu vực này trong tương lai. Ông cũng đề xuất hệ thống khu đô thị cửa khẩu cần phát triển với mục tiêu chủ yếu đảm bảo an ninh quốc phòng thay vì phụ đỡ thị trường lớn để phát triển kinh tế.