Tín dụng chính sách hỗ trợ người Khmer cải thiện đời sống
Năm 2023, huyện Tri Tôn tập trung giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, tạo động lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, như tổng giá trị sản xuất đối với một số ngành hàng đạt 8.254 tỷ đồng, tăng 6,83% so năm 2022; giá trị sản xuất bình quân gần 148,17 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 56,82 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 2.445 - 2.520 tỷ đồng; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn 101,1 tỷ đồng.
Hộ nghèo đến vay vốn NHCSXH huyện Tri Tôn |
Năm 2023, huyện Tri Tôn phấn đấu có thêm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, đưa số trường đạt chuẩn lên 27 trên tổng số 57 trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo 44,55%; giảm thêm 2% số hộ nghèo theo chuẩn mới (riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%); đạt 6 bác sĩ/10.000 dân, 15 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 98,06%.
Huyện cũng đặt chỉ tiêu có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao; quy mô dân số 117.698 người; tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch đạt 88,57%; tỷ lệ che phủ rừng 37%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn huyện Tri Tôn hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%.
Những năm qua, Tri Tôn thực hiện nhiều chương trình chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vùng đồng bào DTTS, như hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông trong vùng dân tộc; hỗ trợ các chùa Khmer chỉnh trang khuôn viên gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa Khmer...
Giúp nhiều hộ khó khăn thoát nghèo
Xác định hỗ trợ vốn vay cho DTTS thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tri Tôn. Ông Nguyễn Quốc Thanh, tân Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn cho biết, đến cuối tháng 4/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 429,150 tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 23,647 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng nguồn vốn Trung ương là 414,510 tỷ đồng, tăng 21,944 tỷ đồng so với năm 2022. Dư nợ các chương trình nhận vốn ủy thác của địa phương là 14,640 tỷ đồng, tăng 1,703 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó nguồn ngân sách tỉnh là 4,468 tỷ đồng, giảm 4 triệu so với năm 2022, nguồn ngân sách huyện là 10,172 tỷ đồng, tăng 1,707 tỷ so với năm 2022.
Là hộ nghèo của địa phương, gia đình ông Phạm Văn Út, ngụ xã Vĩnh Gia, từng bước thoát nghèo nhờ sự cần cù, siêng năng cùng với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.
Ông Út cho biết, trước đây, thu nhập chính của gia đình chỉ nhờ vào vài công ruộng sản xuất một vụ lúa và vài con gà vịt nuôi lấy thịt, cả nhà phải đi làm thuê quanh năm, nhưng vẫn không đủ ăn, cảnh nghèo “thiếu trước hụt sau” cứ thế đeo bám nhiều năm. Năm 2009, gia đình ông được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn cho vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.
Dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ DTTS Khmer ở huyện Tri Tôn |
Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người Khmer nuôi bò |
Có vốn vay với lãi suất thấp, ông mua 2 con bò sinh sản, số tiền còn lại ông đầu tư vào xây dựng chuồng trại. Đến năm 2011, đàn bò của gia đình ông phát triển được 5 con. Nhận thấy điều kiện kinh tế gia đình đã bớt khó khăn, năm 2012, ông Út có đơn xin thoát nghèo. Hiện nay, ông có khoảng 20 con bò, trị giá khoảng 200 triệu đồng.
Nhờ chương trình cho vay từ NHCSXH, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, các con được học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, ông còn mua thêm 0,5 ha đất sản xuất tại địa phương. Ông mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục tạo điều kiện ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển kinh tế, chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế từng hộ, tìm hiểu về điều kiện cụ thể, từ đó tư vấn, hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế phù hợp. Đồng thời, tạo điều hiện để các hộ này tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Quá trình sử dụng vốn vay, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thường xuyên kiểm tra, giám sát, việc sử dụng vốn đúng mục đích. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách. Ngoài ra, thực hiện chủ trương vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH huyện, tổ trưởng Tổ TK&VV vận động người vay tham gia Tuần lễ tiết kiệm chung tay vì người nghèo năm 2023 được 600 triệu đồng.
Thực hiện Tiểu dự án 3, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn đã tích cực truyền thông về giáo dục nghề nghiệp cho hàng trăm hộ DTTS Khmer trên địa bàn. Người dân được thông tin chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động sinh sống ở vùng DTTS, danh mục ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp để đăng ký học theo nhu cầu.
Theo đó, đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có thu nhập thấp, tham gia khóa đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo 2,5-4 triệu đồng (tiền ăn và chi phí đi lại). Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề có giá trị trên toàn quốc. Nếu có nhu cầu, họ sẽ được giới thiệu vay vốn NHCSXH, lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.
Các lớp học nghề đang được đẩy mạnh tổ chức trên địa bàn huyện Tri Tôn cho đồng bào DTTS Khmer tham gia, song song với tiếp nhận nguồn hỗ trợ để giúp người dân có phương tiện, vốn sản xuất, từng bước giảm nghèo. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những gì người dân cần”. Các lớp học diễn ra dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”, hướng vào đối tượng lao động tại chỗ, mở lớp dạy nghề ngay tại ấp.