Tín dụng nội bộ trong hợp tác xã: Quy định rõ ràng để vận hành thông suốt
Ít nhưng cần
Hoạt động tín dụng nội bộ đã được quy định từ khá sớm. Cụ thể, Luật HTX năm 2003 quy định: "HTX có quyền tổ chức tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật". Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HTX năm 2003 giao NHNN Việt Nam hướng dẫn chế độ và nguyên tắc hoạt động tín dụng nội bộ trong các HTX. Căn cứ quy định tại Nghị định số 177/2004/NĐ-CP nêu trên, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 06/2004/TT-NHNN ngày 27/9/2004 hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX; Thông tư số 04/2007/TT-NHNN ngày 13/6/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2004/TT-NHNN và văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX.
Nếu có cơ sở pháp lý và quy định rõ ràng, hoạt động tín dụng nội bộ sẽ góp phần giải quyết vấn nạn tín dụng đen |
Luật HTX năm 2012 (Luật số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012) tiếp tục quy định: "HTX có quyền huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật HTX 2012 và Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 193/2013/NĐ-CP không có nội dung quy định trách nhiệm của NHNN Việt Nam trong việc hướng dẫn hoạt động tín dụng nội bộ của các HTX. Trong khi các Thông tư hướng dẫn nêu trên đã hết hiệu lực thi hành.
Số liệu cũng cho thấy, hiện trên cả nước chỉ có gần 1.200 HTX nông nghiệp có thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số trên 19.000 HTX nông nghiệp.
Bởi vậy, thảo luận về Dự án Luật HTX sửa đổi tại kỳ họp thứ tư vừa qua, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng cho biết, mặc dù Luật HTX 2012 cũng đã có quy định về hoạt động tín dụng nội bộ, song trên thực tế rất ít HTX có hoạt động này. Hơn nữa, hoạt động tín dụng nội bộ này mang ý nghĩa tương trợ, giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Nhưng theo đại biểu Mai Văn Hải, trên thực tế hoạt động tín dụng nội bộ của các HTX không phải đơn thuần vì mục đích tương trợ, hỗ trợ cho các thành viên trong HTX mà có thể vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của các thành viên, cũng vì mục đích lợi nhuận là chính. “Vì vậy, nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong HTX hay không”, đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến.
Tuy nhiên tại Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX” cuối tháng 7 vừa qua, nhiều đại diện lãnh đạo HTX khẳng định, hoạt động tín dụng nội bộ là cần thiết vì rất phù hợp, gần gũi với các thành viên, đặc biệt ở nông thôn. Nếu có cơ sở pháp lý và quy định rõ ràng, hoạt động tín dụng nội bộ sẽ giúp phần nào giải quyết vấn nạn tín dụng đen đang phát triển mạnh ở nông thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp - Giám đốc HTX Ngọc An (Bình Định) cho biết, nguồn vốn vay qua HTX tuy nhỏ nhưng nhanh gọn, dễ tiếp cận hơn so với tín dụng từ ngân hàng. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp kiến nghị, thời gian tới các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các HTX, trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ.
Tường minh để giảm rủi ro
Thảo luận về Dự án Luật HTX sửa đổi tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng khẳng định về sự cần thiết của hoạt động tín dụng nội bộ, nhưng các quy định liên quan đến tín dụng nội bộ cần được làm rõ hơn, đặc biệt là các quy định về huy động vốn và cho vay; cơ chế vận hành và chịu trách nhiệm… để tránh chồng chéo, trùng lắp với các hoạt động của tổ chức ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), cũng như tránh gây ra những hệ lụy đối với hệ thống tài chính, tiền tệ và trật tự an ninh xã hội.
Đại biểu Rơ Châm H′Phik (Gia Lai) cho rằng, quy định về hoạt động tín dụng nội bộ là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến tín dụng nội bộ chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật trong khi tín dụng là hoạt động mang tính chất đặc thù và tiềm ẩn rủi ro cao.
“Để tránh rủi ro hệ thống và bất ổn về trật tự, an ninh xã hội, đề nghị Dự thảo Luật bổ sung các quy định về điều kiện để tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được thực hiện tín dụng nội bộ, nguyên tắc, cách thức triển khai và quản lý hình thức tín dụng nội bộ này, từ đó làm cơ sở để Chính phủ thực hiện và NHNN quy định chi tiết”, đại biểu Rơ Châm H′Phik đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định về hoạt động tín dụng nội bộ còn rất mờ nhạt, chưa cụ thể, rõ ràng. Trong khi trên thực tế, hoạt động của loại hình này rất bất cập, được huy động vốn và cho vay không những trong thành viên mà cả ngoài thành viên nhưng không chịu sự quản lý của NHNN. Vậy nếu có rủi ro xảy ra thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm. Mặt khác, loại hình này có pháp nhân hay không. Nếu không rõ ràng sẽ rất phức tạp trong quản lý, điều hành, quyết toán thuế, lãi suất huy động cũng như cho vay…
“Luật Các tổ chức tín dụng quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, nay Dự án Luật cho phép thì cần phải cân nhắc cẩn thận. Các QTDND hoạt động trong cả nước, được quản lý rất chặt chẽ mà còn khó khăn, nay cho thành lập tín dụng nội bộ thì lại càng khó khăn hơn”, vị đại biểu nêu quan điểm.
Như vậy cũng với rất nhiều nội dung còn đang được tranh luận để đạt tới tường minh, vấn đề tín dụng nội bộ của HTX cũng là nội dung cần được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan xem xét tiếp thu trong hoàn chỉnh Dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.