Tín dụng ưu đãi: Tạo động lực cho thanh niên lập nghiệp
Mở rộng nhiều trường hợp được vay vốn tạo việc làm NHCSXH tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị thiệt hại do bão, lũ |
Vốn có tay nghề cao trong sản xuất mỹ nghệ kim hoàn nhưng anh Lương Đình Tùng, ở thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang rất khó thành không khi nguồn vốn bị eo hẹp. Năm 2020, anh Tùng bàn với gia đình mở rộng xưởng sản xuất, tuyển thêm thợ vào làm. Tuy nhiên, nguồn vốn của gia đình cũng như vay anh em, bạn bè cũng chưa đủ để anh Tùng thực hiện được kế hoạch của mình. Rất may, đến tháng 9/2023, anh được vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Bình Giang. Như được tiếp thêm năng lượng, anh Tùng đầu tư mua thêm máy móc và nguyên liệu sản xuất với quy mô lớn hơn. Được ngân hàng “bơm” vốn kịp thời với lãi suất ưu đãi cùng với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường nên xưởng sản xuất mỹ nghệ kim hoàn của anh Tùng ngày càng phát triển. Hiện nay, tổng doanh thu hàng tháng của xưởng đã đạt gần 400 triệu đồng, trừ chi phí mỗi tháng cho lãi khoảng 60 triệu đồng. Điều đáng mừng nữa là xưởng của anh Tùng đã giải quyết được việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng, đúng với tiêu chí của chương trình cho vay giải quyết việc làm. “Tôi mong muốn được vay thêm nguồn vốn của NHCSXH để tiếp tục mở rộng thêm xưởng sản xuất, thu hút thêm nhiều lao động vào làm việc cho người dân ngay tại địa phương”, anh Tùng chia sẻ.
Cán bộ NHCSXH huyện Bình Giang thăm xưởng sản xuất của anh Lương Đình Tùng |
Theo thống kê trên địa bàn xã Thúc Kháng hiện có gần 100 thanh niên đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện với dư nợ hơn 5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của NHCSXH huyện Bình Giang, đoàn viên, thanh niên của xã đầu tư phát triển nghề truyền thống kim hoàn và một số mô hình khác đều cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nguồn vốn của NHCSXH huyện Bình Giang không chỉ phát huy hiệu quả với chương trình cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, mà các chương trình tín dụng khác cũng rất có ý nghĩa với người dân địa phương.
Đến nay tổng dư nợ tại phòng giao dịch NHCSXH huyện Bình Giang là gần 432 tỷ đồng, thực hiện 10 chương trình cho vay gồm: cho vay giải quyết việc làm; cho vay ưu đãi hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay nhà ở xã hội; cho vay người chấp hành xong án phạt tù và một số chương trình cho vay khác với 9.741 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Riêng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 83,66 tỷ đồng cho 1.268 hộ được vay.
Bà Phạm Thị Thúy Oanh – Giám đốc NHCSXH huyện Bình Giang cho biết, để đạt được hiệu quả trong cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bên cạnh việc quản lý và giải ngân hiệu quả nguồn vốn, Ngân hàng còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, các Hội Đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách xã hội như: tổ chức mở tài khoản Quỹ vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ huyện Bình Giang tại NHCSXH huyện; Thực hiện hiệu quả chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2024-2028; Thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Bình Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện về chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để nhân dân trong huyện nắm được. Đồng thời, thực hiện tốt việc phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng. Giám sát, chỉ đạo thực hiện hoạt động cho vay và thu nợ theo đúng quy định, kịp thời hoàn thành chỉ tiêu nguồn vốn tín dụng và công tác kiểm tra giám sát năm 2024 đã đề ra.