Tín hiệu kinh tế Mỹ tích cực hơn thúc đẩy giá hàng hóa bật tăng
Giá hàng hóa nguyên liệu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 |
Trọng tâm chú ý của thị trường ngày hôm qua hướng đến tín hiệu tích cực trong thỏa thuận nâng trần nợ công Mỹ. Cụ thể, kết thúc cuộc họp vào sáng 1/6 theo giờ Việt Nam, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật nâng trần nợ công.
Dự luật sẽ cần phải được cả Thượng viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Tuy vậy, điều này đã giúp Mỹ tiến gần hơn tới mục tiêu nâng trần nợ công, từ đó tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư sau khi đón nhận thông tin trên đã lan tỏa ra khắp các thị trường tài chính của Mỹ, trong đó có thị trường hàng hóa.
Tuy nhiên, trước những biến động rất mạnh với biên độ dao động lớn, nhà đầu tư trong nước tỏ ra thận trọng với các quyết định vị thế. Dòng tiền đến thị trường hàng hóa trong ngày hôm qua sụt giảm hơn 4%. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.800 tỷ đồng.
Giá nông sản hồi phục mạnh
Giá đậu tương hợp đồng tháng 7 ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong phiên hôm qua. Với mức tăng lên tới 2,29%, giá đã tiến sát trở lại vùng chặn trên của khoảng đi ngang trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ, cùng với tình trạng khô hạn ngày một gia tăng tại các khu vực canh tác trọng điểm ở nước này trong tuần vừa rồi, là những yếu tố thúc đẩy chính đối với giá đậu tương.
Cụ thể, trong báo cáo giám sát hạn hán tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết 66% khu vực Midwest - vùng trồng đậu tương trọng điểm của nước này - ghi nhận sự xuất hiện của hạn hán bất thường trong tuần kết thúc ngày 30/5, tăng từ mức 27% của một tuần trước đó.
Đáng chú ý, có 28% diện tích đậu tương niên vụ 2023/2024 nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán tính tới ngày 30/5, tăng 8% so với một tuần trước đó. Hơn nữa, dự báo thời tiết cho thấy hạn hán sẽ tiếp tục mở rộng trong tháng 6 tại hai bang sản xuất đậu tương lớn nhất của Mỹ là Iowa và Illinois, cũng như các bang Indiana, Ohio và Pennsylvania.
Hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua. Sự khởi sắc của giá đậu tương cùng lực mua kỹ thuật đã giúp giá khô đậu ghi nhận mức tăng 2,03% và quay trở lại vùng giá 400.
Đối với dầu đậu, đây là mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm với mức tăng lên tới 3,59%. Đà tăng này của giá dầu đậu chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật, khi mà giá dầu cọ và giá dầu thô diễn biến khá trái chiều trong hôm qua.
Dầu thô bật tăng gần 3%
Giá dầu bất ngờ lấy lại đà phục hồi trong ngày giao dịch hôm qua 1/6, sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp. Kết phiên, giá dầu WTI bật tăng gần 3% lên mức 70,1 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,3% lên 74,28 USD/thùng.
Những bước tiến trong thỏa thuận nâng trần nợ công đã hạn chế lăng kính tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ cho giá dầu ngay trong phiên sáng, bất chấp báo cáo cho thấy tồn kho dầu Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 26/5.
Cụ thể, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) đã tăng mạnh 4,5 triệu thùng trong tuần trước. Tồn kho xăng trong tuần trước giảm nhẹ 0,2 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất ghi nhận mức tăng 1 triệu thùng.
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 12% so với mức trung bình 4 tuần. Điều này cho thấy các nhà sản xuất tại Mỹ đang kỳ vọng nhu cầu tích cực hơn trước mùa di chuyển cao điểm và tăng cường nhập khẩu. Nhìn chung, tăng trưởng trong nhập khẩu dầu đã bù đắp cho mức giảm trong tổng sản phẩm được cung cấp trong nước.
Bên cạnh đó, việc giá dầu ở dưới mức 70 USD/thùng cũng khiến nhiều nhà giao dịch lo ngại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ có thêm biện pháp can thiệp thị trường, nhất là khi cuộc họp ngày 4/6 sắp đến gần.
Theo 4 nguồn tin được hãng tin Reuters trích dẫn, OPEC và các đồng minh khó có thể cắt giảm sâu hơn nguồn cung tại cuộc họp lần này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia trước đó đã cảnh báo các nhà đầu tư bán khống. Do đó, thị trường vẫn cho thấy tâm lý cẩn trọng và giá dầu cũng đón nhận lực mua khi về vùng 67 - 68 USD/thùng.
Về nhu cầu, dữ liệu từ công ty phân tích thị trường hàng hóa Kpler cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu một lượng dầu lớn từ Nga trong tháng 5. Đặc biệt, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục 8,6 triệu tấn, tương đương 62,8 triệu thùng trong tháng qua, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ tại khu vực châu Á đối với dầu chiết khấu từ Nga.