TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu nâng cao tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa FDI tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%/năm.
TP. Hồ Chí Minh đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài |
Việc thu hút đầu tư FDI của thành phố sẽ tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều tri thức, ít thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cùng với đó là phương pháp quản trị hiện đại, kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu; mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ kiến thức quản lý, văn hoá doanh nghiệp của khu vực FDI; tăng cường các hoạt động R&D, qua đó nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong nước, xác định và tăng cường vai trò của doanh nghiệp nội địa trong cộng đồng quốc tế…
UBND TP. Hồ CHí Minh cũng dự kiến nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số vốn FDI cả thành phố lên hơn 70% trong giai đoạn 2023 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm Châu Á với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines và khu vực Châu Âu với các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; và Châu Mỹ là Hoa Kỳ.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, thu hút được đạt trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất 1 tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Hiện đến nay đã thu hút được 7 dự án CNC và 250 triệu USD, còn lại phải thu hút khoảng 43 dự án và 2,75 tỷ USD.
Về ngành nghề, trong ngắn và trung hạn, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano; tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…; đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không); dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch...).
Trong dài hạn, TP. Hồ Chí Minh tập trung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng; công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn; ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Lãnh đạo UBND thành phố khẳng định việc thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa. “Thành phố không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…”, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm.