Tín dụng có thể về đích
Cần nhiều giải pháp tổng thể thúc đẩy phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất |
Tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện nhanh những tháng gần đây trong bối cảnh tiêu dùng nội địa chưa hồi phục, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất... cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, tính đến thời điểm tháng 8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7,73%/năm giảm 2,24%/năm so với thời điểm tháng 12/2023. Ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề.
Đơn cử như tập trung phát triển tín dụng cho phân khúc DNNVV theo phương châm tín dụng dễ dàng bằng các chương trình/chiến dịch cụ thể. Techcombank cũng thực hiện chiến dịch xây dựng các giải pháp nhằm đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay để khách hàng dễ dàng thuận lợi tiếp cận vốn vay và áp dụng số hóa để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như chương trình giải ngân và phát hành bảo lãnh online.
Các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế |
Với tinh thần hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, hiện các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Đơn cử như SHB, trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, ngân hàng đã liên tục có 21 lần giảm mặt bằng lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Hay như VIB đã tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở với lãi suất chỉ 5,9-7,9% cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng, song song với các chương trình kích thích tín dụng khác ở các mảng cho vay căn hộ, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô. Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9%/năm trở lên...
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,38% trong 9 tháng đầu năm, còn khá xa so với mục tiêu 15% cho cả năm 2024. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực gia tăng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc làm sạch cơ sở dữ liệu theo Đề án 06 của NHNN và Bộ Công an đang có những kết quả đáng kể là cơ sở cho các đề xuất kết nối để các bên cho vay tiêu dùng cải thiện đánh giá tín nhiệm và chất lượng tín dụng; đồng thời sẽ là căn cơ cho các TCTD phát huy giá trị của Thông tư 12/2024/TT-NHNN, cởi mở hơn về điều kiện trong duyệt cho vay các khoản tín dụng nhỏ.
Ngoài ra, NHNN đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế như chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; tăng ưu đãi gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng cũng đang thể hiện quyết tâm của mình thông qua triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Ngoài việc giảm lãi suất, SHB sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng và giải ngân vốn, trong đó tập trung cho các khách hàng có lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, chế biến và công nghiệp phụ trợ, xây dựng công trình nhà ở... Hỗ trợ người tiêu dùng vay vốn bằng các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống đa dạng, linh hoạt trên nền tảng số hóa và vay trực tuyến, giúp khách hàng tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ngân hàng này cũng có kế hoạch sẽ triển khai các sản phẩm tín dụng riêng biệt, trong đó có các chính sách ưu tiên như giảm lãi suất, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp trong các ngành sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài.
Để góp sức cùng ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đặt ra, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà đề xuất một số giải pháp, kiến nghị như: thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Cần có các chương trình, gói kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy sức mua của thị trường. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý, phê duyệt các dự án tồn đọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi vào hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.