Hoàn thiện cơ sở hạ tầng: Chìa khóa để phát triển logistics
Ngành logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão Yagi Thúc đẩy các giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp |
Đầu tiên là tính không ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu do các biến động như thiên tai, xung đột thương mại và biến động địa chính trị đã gây ra nhiều gián đoạn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất ổn định.
Tiếp đến là cơ sở hạ tầng yếu kém tại Việt Nam làm tăng chi phí logistics, kéo dài thời gian giao hàng và giảm hiệu quả vận hành. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI yêu cầu một hệ thống logistics nhanh chóng và hiệu quả để duy trì chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng những hạn chế về giao thông và kho bãi đã cản trở quá trình này.
Việt Nam cần có chiến lược dài hạn và kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng |
Liên quan đến hạ tầng logistics, ông Trần Anh Đức, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thừa nhận rằng, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn lo ngại về việc phát triển logistics và chuỗi cung ứng, nhất là thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực chưa thực sự cải thiện. Khó khăn trong giao thương chính là hạ tầng giao thông dẫn đến giao thương với các tỉnh, thành phố vẫn chưa thành hệ thống. Đường cao tốc đi về các tỉnh được đầu tư về cơ bản đã phát triển nhưng chưa có đường xương sống.
Cũng quan điểm, ông Hoàng Việt Phương, Phó giám đốc CTCP Giao nhận Vận tải Quốc tế Lacco chia sẻ, hiện nay, cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vận hành của các doanh nghiệp. Đầu tiên phải kể đến hệ thống giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là về đường bộ và đường sắt. Mặc dù có sự phát triển nhanh chóng trong xây dựng các tuyến cao tốc, nhưng nhiều khu vực vẫn gặp phải tình trạng tắc nghẽn giao thông, làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa. Hệ thống đường sắt, vốn là phương thức vận chuyển tiết kiệm và an toàn nhưng lại chưa được đầu tư đủ để phát huy hết tiềm năng.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển và sân bay dù được đầu tư xây dựng nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn gặp phải tình trạng quá tải và thiếu cơ sở vật chất hiện đại. Khả năng bốc dỡ hàng hóa tại các cảng biển còn chậm và hạn chế về công nghệ dẫn đến việc thời gian giao nhận hàng bị kéo dài, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng về kho bãi tại các khu công nghiệp vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế. Điều này gây ra những khó khăn lớn trong việc bảo quản và lưu trữ hàng hóa, đặc biệt là với các mặt hàng có yêu cầu cao về điều kiện bảo quản như thực phẩm, dược phẩm và linh kiện điện tử. Kho bãi không đủ tiêu chuẩn cũng làm tăng nguy cơ hư hỏng và thất thoát hàng hóa, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với những tổn thất lớn về tài chính.
Chi phí đường biển tăng cao nên các doanh nghiệp cần thay đổi phương tiện như đường không, đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, chi phí đường hàng không chỉ phù hợp với một số loại mặt hàng và thường khá cao dẫn đến tạo áp lực tăng giá của sản phẩm. Cơ sở hạ tầng đường bộ cũng chưa đồng bộ và còn yếu kém. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí logistics, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn là chìa khóa quan trọng để Việt Nam phát triển ngành logistics và chuỗi cung ứng bền vững trong tương lai. Hạ tầng hiện đại và đồng bộ sẽ giúp tăng cường hiệu quả vận hành, giảm thiểu chi phí, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI.
Khi Việt Nam có một hệ thống hạ tầng logistics hiện đại cũng sẽ giúp thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Với cơ sở hạ tầng được cải thiện, các doanh nghiệp FDI có thể yên tâm hơn trong việc mở rộng sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính ổn định cho chuỗi cung ứng, ông Trần Anh Đức cho biết thêm.
Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn và kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ cần thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm của họ để phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn.