TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất ngành công nghiệp tháng 4 ước tăng 5,4% so với cùng kỳ
Lãnh đạo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024 của thành phố tăng 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,6%; ngành cơ khí tăng 5,4%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 3,5%.
Chỉ số toàn ngành sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh 4 tháng năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ. |
Ngành công nghiệp cấp II của thành phố cũng ghi nhận có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 29,0%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 12,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,0%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất xe có động cơ giảm 47,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 21,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất da, các sản phẩm có liên quan đều giảm 7,8%.
Đối với ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024 giảm 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 1,3%; ngành dệt giảm 2%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7,8%.
Để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ phát huy nguồn lực đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao; phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của thành phố.
Thành phố sẽ thu hút vốn FDI gắn với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, các dự án đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài. Phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn...; các ngành, sản phẩm công nghiệp trọng điểm; phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm…
“Thành phố sẽ mở rộng kênh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên quốc gia; kiểm soát giá cả thị trường, tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá; liên kết các tỉnh để đa dạng hóa nguồn hàng cung cấp; khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu tiềm năng...”, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết.