TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp kiểm soát khoảng 60.500 công trình nhà ở cho thuê trọ
TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm giải pháp để tăng cường quản lý kiểm soát khoảng 60.500 công trình nhà ở cho thuê trọ trên địa bàn |
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố, dãy phòng cho thuê độc lập tập trung chủ yếu trên địa bàn Quận 7, Quận 12, Gò vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với tổng cộng có 34.800 công trình, tương đương khoảng 357.246 phòng cho thuê, tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913m2 và tổng số người cho thuê tối đa 943.341 người.
Song song đó, nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê cũng tập trung chủ yếu trên địa bàn Quận 7, Quận 10, Gò vấp, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với có 25.670 công trình, tương đương với 202.973 phòng cho thuê, tổng diện tích sàn xây dựng 3.193.186m2; tổng số người thuê tối đa 486.726 người.
Các loại hình này hình thành do nhu cầu thực tế, đã giải quyết một số lượng lớn nhu cầu thiết yếu, chính đáng về chỗ ở của người dân, trong khi nguồn lực nhà nước tập trung đầu tư, xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho thuê hiện không và chưa thể đáp ứng; cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách còn nhiêu khê, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia...
Tuy nhiên theo các cơ quan chức năng, trong số khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố, hầu như toàn bộ đã được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập); hoặc người dân tự ý chuyển đổi công năng nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ (tự ngăn chia từng phòng, tăng quy mô số lượng người sinh hoạt, lưu trú lên gấp nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy chữa cháy xem xét, xét duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đang có khoảng trống trong quản lý, kinh doanh nhà trọ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ khi cải tạo sửa chữa không làm thay đổi kết cấu công trình, không nâng tầng, không tăng diện tích sử dụng, phải đăng ký sửa chữa cải tạo tại UBND phường xã... Tuy nhiên, quy định về quản lý trật tự xây dựng lại không có chế tài xử phạt đối với các trường hợp tự thay đổi nội thất bên trong như cải tạo, ngăn chia không gian thành phòng cho thuê của công trình nhà ở riêng lẻ...
Bên cạnh đó, theo quy định thì phòng trọ là ngành nghề phải có đăng ký kinh doanh và có giấy phép đủ điều kiện, phải bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (đối với nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ở hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên thì phải thẩm duyệt thiết kế theo quy định phòng cháy chữa cháy...); cá nhân kinh doanh nhà trọ quy mô nhỏ, doanh thu thấp cũng phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể,... Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại với số lượng rất lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh riêng lẻ, tự phát, cho sinh viên, người lao động thuê trọ để tăng thu nhập nhưng không đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng nhất định đến số thu thuế tại mỗi địa phương…
Từ thực tế đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình hoạt động của các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; Công an thành phố và các đơn vị chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở, cơ sở dịch vụ cho thuê nêu trên; đình chỉ hoạt động ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm soát quản lý các công trình nhà ở cho thuê trọ |
Với kỳ vọng tập trung nghiên cứu các giải pháp đưa 60.500 công trình nhà trọ tư nhân, hơn 560.000 phòng với gần 1,5 triệu người đang thuê ở hiện nay vào khuôn khổ để quản lý, kiểm soát, ông Trần Hoàng Quân cho biết Sở Xây dựng sẽ lập đề án quản lý và hỗ trợ nhà ở có mục đích cho thuê trọ trên địa bàn nhằm tăng cường quản lý hoạt động này.
Theo đề án nói trên, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án và trình UBND thành phố trong tháng 9/2024 để xem xét, quyết định xây dựng tiêu chí diện tích tối thiểu m2 sàn/người để có giới hạn số lượng người/phòng; giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ. Đồng thời, Công an thành phố cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, tới tháng 10/2024 tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành quy định diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trên địa bàn.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành xây dựng cũng đề xuất giao Giám đốc Sở Tài chính, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cho người cho thuê trọ có nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo nhà trọ đạt quy định diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trên địa bàn.
“Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm hướng tới là khái quát thực trạng nhà ở riêng lẻ hiện hữu cho thuê trọ để thực hiện công tác quản lý và đề xuất giải pháp hỗ trợ, sử dụng nguồn nhà ở riêng lẻ hiện hữu thuộc sở hữu tư nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp”, Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.