TP.HCM: 11.324 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, kết quả khảo sát mới đây về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tháng 2 và tháng 3 cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó, chủ yếu vì thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận nguồn vốn...
TP. HCM đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động |
Theo ông Hưng, dự báo trong quý II/2023, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khá ảm đạm; kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng có xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp, mặc dù dự kiến sẽ được cải thiện từ quý III năm 2023. Các doanh nghiệp đã từng bước chủ động, linh hoạt, ứng phó tốt trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực; cùng với kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản, qua đó giữ chân được người lao động, đón cơ hội với những đơn hàng lớn.
Chia sẻ thêm về khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, không chỉ gặp khó vì thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các dệt may còn bị tác động từ tỷ giá USD. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến giảm lợi nhuận vào đầu năm 2023. Cũng như vậy, đại diện các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm chia sẻ, doanh nghiệp ngành này có đặc thù là cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, đam bảo nguồn cung dự trữ. Do đó, họ rất cần tìm vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ thị trường và góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi tốt hơn.
Cùng với đó, hiện giá thép trong nước đang giảm do lượng cung quá lớn trong khi cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; các sản phẩm xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm… Chính vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị một số giải pháp cấp thiết nhằm giúp tháo gỡ khó khăn hiện nay, như việc hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho doanh nghiệp; minh bạch và nhất quán trong quy hoạch, xây dựng, đất đai…
“Các doanh nghiệp đề xuất nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho các doanh nghiệp trong tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023, giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp… Đồng thời, đề xuất tiếp tục chương trình cho vay kích cầu đầu tư. Xem xét chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp chưa sử dụng để hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…”, ông Hưng truyền đạt lại ý kiến các doanh nghiệp.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, trong tháng 3 này phải có các giải pháp cụ thể cho 4 ngành công nghiệp, 9 nhóm dịch vụ vì đây là những nhóm ngành có đóng góp lớn cho GRDP của thành phố. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, như tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu lao động đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; nghiên cứu đề án "Chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023…
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định: “UBND cần có cơ chế phối hợp, kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chặt chẽ bằng trách nhiệm, chia sẻ và sáng tạo để vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nỗ lực thực hiện nhiều hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Chuyển đổi số, cải cách hành chính phải đẩy mạnh hơn nữa ở từng cơ quan, đơn vị trên tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền; thủ tục phải tối giản, nhanh hơn, thông suốt hơn nữa”.