TP.HCM: Phấn đấu du lịch đường thủy sẽ khai thác trên tất cả các tuyến sông
TP.HCM cũng dự kiến phát triển du lịch ở các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Tuyến tàu cao tốc Thạnh Thới nối Cần Giờ (TP.HCM) với Vũng Tàu cũng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch đường thủy |
Nhận định về khả năng phát triển du lịch đường thủy, Sở Du lịch TP.HCM cho biết với mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, bao gồm 101 tuyến, tổng chiều dài 913 km, TP.HCM đã hình thành nên các loại hình vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn có lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là kết nối được với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, TP.HCM vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa còn khá mới mẻ này.
Dự kiến số lượng hành khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo, số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển đến thành phố trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12 - 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của TP.HCM góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố. Phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 500 tàu, thuyền và du thuyền các loại. Ngành du lịch sẽ nghiên cứu Bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy và là điểm đến từ các tuyến, kết hợp với Công viên Bến Bạch Đằng hình thành nên những chợ phiên, khu ẩm thực, khu mua sắm, cà phê, thức ăn nhanh, trung tâm thông tin du lịch, nơi tổ chức những sự kiện văn hóa, sự kiện quảng bá du lịch, không gian tiểu cảnh Bến Bạch Đằng xưa và nay,... với những hoạt động phong phú tạo nên bức tranh sôi động cho Bến Bạch Đằng.
Song song đó, ngành du lịch TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu đề xuất xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông gần các điểm du lịch sinh thái, nhà vườn, phục vụ việc tiếp nhiên liệu cho các phương tiện vận chuyển kết hợp với điểm dừng chân, thư giãn, giải trí cho du khách trải nghiệm trên các tuyến du lịch đường thủy tầm trung.
“Trong giai đoạn 2024-2025, nhiệm vụ của ngành du lịch tiếp tục phát huy sức hút của Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đối với khách du lịch quốc tế, phát triển các tour về nguồn, văn hóa lịch sử kết hợp thưởng ngoạn sông Sài Gòn, tham quan các làng nghề, nhà vườn, sinh thái... thu hút nhiều đối tượng khách nội địa”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết.