Tranh làng Sình
Tranh làng Sình được chia ra nhiều dòng khác nhau gồm tranh nhân vật, chủ yếu là tranh tượng bà, tượng đế, tượng chùa, tượng ngang... dán trên bàn thờ quanh năm; tranh vẽ hình đàn ông, đàn bà; tranh ông Điệu, ông Đốc, Tờ bếp dùng để đốt sau khi cúng xong; tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm; tranh súc vật và tranh 12 con giáp; tranh vẽ các nét sinh hoạt văn hóa dân gian như các trò chơi đấu vật, đuổi bắt...
Theo quan niệm của người dân nếu dùng tranh để thờ cúng sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Vì vậy cứ gần đến tết hay rằm tháng giêng, mùng một, làng Sình lại rộn ràng tiếng giã điệp, đồ giấy làm tranh.
Ảnh minh họa |
Để làm ra được một bức tranh sinh động với màu sắc tươi tắn, nghệ nhân làm tranh làng Sình cần phải có nhiều kỹ thuật công phu cùng sự đam mê và tỉ mẩn. Đầu tiên tranh được in trên bản mộc gỗ được khắc rất tinh xảo. Mỗi bức tranh là một khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực màu đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy in thành một bức tranh thô.
Giấy dùng để in tranh chủ yếu là giấy dó. Màu sắc được tạo nên từ nhiều chất liệu như sò điệp và các loại lá cây... Quy trình để làm nên bức tranh phải trải qua nhiều công đoạn như cào điệp, giã điệp, hồ điệp, pha giấy, phơi giấy, tạo màu, khắc ván, in tranh, tô màu... Trong đó, công đoạn tô màu cho tranh đòi hỏi công phu và sự nhanh nhạy của người làm tranh làng Sình.
Từ trung tâm TP. Huế đi thêm 9km về phía Đông, du khách sẽ được khám phá làng Sình, nơi tạo ra những bức tranh độc đáo như trên. Ở đây còn có tên gọi khác là làng Lại Ân, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Cứ tưởng người dân làng Sình sẽ sống bằng nghề vẽ tranh nhưng với họ làm tranh là một thú tiêu khiển, mỗi bức tranh là một sản phẩm tâm linh vô cùng ý nghĩa, là nơi lưu giữ linh hồn của làng Sình. Có như vậy những bức tranh làng Sình mới không bị nhuốm màu kinh tế, không mất đi cái vẻ đẹp vốn có ban đầu. Ở đây mỗi bức tranh cúng chỉ bán với giá vài ngàn.
Tranh lưu niệm làm cho khách du lịch cũng chỉ bán với giá 25.000 đồng/tấm, thêm ống nứa được cắt tiện khéo léo đựng tranh thì thêm 25.000 đồng để có thể mang đi xa làm kỷ niệm. Nếu so với công sức và sự tỉ mỉ để làm ra một sản phẩm thì chẳng thấm vào đâu.
Hiện nay, tranh làng Sình không chỉ được sử dụng vào những dịp lễ, tết mà đã trở thành một dòng tranh dân gian khá độc đáo, thu hút nhiều du khách đến tham quan và mua tranh làm kỷ niệm. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là một trong những mục tiêu hàng đầu để du lịch địa phương trở thành mũi nhọn. Chính nhờ vậy mà làng Sình ngày nay đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Khi đến với làng Sình, khách du lịch không chỉ được chứng kiến cảnh làm tranh, mua tranh mà còn có thể tự tay mình in và tô màu tranh. Cầm một bức tranh làng Sình trên tay cảm thấy có chút gì đó rất gần gũi và tự nhiên. Cứ thế, những tấm tranh giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo, thú vị này đã theo chân du khách đến với mọi miền đất nước và vươn ra thế giới.