Tránh thất thu ngân sách đối với thuế bán hàng online
Thương nhân online tìm mọi chiêu trò “né” thuế | |
Cần siết chặt quản lý livestream bán hàng | |
Cuộc đua bán hàng online của ngành hàng F&B |
Sự phát triển của thương mại điện tử mang đến cơ hội kinh tế cho các chủ thể, song cũng mở ra thách thức cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề về thuế đối với lĩnh vực kinh doanh không có sự hiện diện trực tiếp… Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ việc xác định doanh thu, thu nhập của cá nhân, hộ kinh doanh thương mại điện tử.
Google dự báo, thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á trong đó Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là một trong những nước có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2021 ở nước ta đạt hơn 13,7 tỷ USD. Trong đó, bán hàng online qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok bùng nổ.
Ảnh minh họa. |
Trên thực tế, ngành thuế và các ngành liên quan chưa có quy trình - cơ chế, bộ phận chuyên trách để rà soát, kiểm đếm những cá nhân đưa hàng hóa, dịch vụ lên Zalo Shop và giao dịch nhận hàng - trả tiền mặt (COD); kiểm đếm các TikToker, YouTuber có bao nhiêu clip về giải trí, giáo dục… có số lượng view, like, share cao; Facebooker có kinh doanh trên nền tảng Facebook và chi tiết hàng hóa dịch vụ trên Marketteplace (chợ ảo) của mạng xã hội này. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp nhằm kiểm soát, kiểm tra cá nhân kinh doanh từ khâu đăng ký, kê khai, xử lý vi phạm về thuế… chưa thật sự hiệu quả.
Tại TP.HCM, các cơ quan thuế ở các quận, huyện đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề tuyên truyền, vận động người kinh doanh qua mạng nộp thuế; rà soát thông tin từ các tổ chức liên quan; kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử… để đôn đốc thu thuế theo quy định. Kết quả, trong năm 2021, số thuế thu được từ các cá nhân có hoạt động thương mại điện tử là hơn 122 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2022 thu trên 140 tỷ đồng.
Điển hình, vừa qua, TP.HCM đã truy thu thuế trên 8 tỷ đồng/trường hợp (đã nộp) đối với 2 cá nhân là những người có thu nhập do thực hiện các chương trình quay clip, phim giải trí trên mạng xã hội YouTube, TikTok…
Để góp phần giải quyết vấn đề thu thuế kinh doanh online, vừa qua, Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận, phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an. Theo đó, các bộ, ngành đã thống nhất nguyên tắc phối hợp trong công tác quản lý thương mại điện tử như chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin và phối hợp sửa đổi chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý thương mại điện tử và quản lý thuế nói riêng.
Theo các chuyên gia thuế, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các website, sàn giao dịch, mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn trong việc xác định nguồn thu của đối tượng nộp thuế. Chính phủ có thể quy định sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn, trong đó nêu rõ về các mức ký quỹ, trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trả hàng, đổi hàng, thời hạn chuyển tiền, tỷ lệ chiết khấu…
Các sàn thương mại điện tử hiện đang là những đơn vị tiên phong kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Họ đều có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, sử dụng ứng dụng điện tử để hạch toán kế toán, quản trị kế toán, kê khai thuế, nộp thuế; có hợp đồng với người bán hàng (cá nhân kinh doanh). Mặt khác, việc các sàn giao dịch thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng sẽ giúp bảo đảm kê khai đủ doanh thu phát sinh của cá nhân, hộ kinh doanh.
Để hỗ trợ các sàn thương mại điện tử kê khai nộp thuế, Tổng cục Thuế cần ban hành các quy định cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương phải xuất trình tài liệu, hồ sơ chứng minh phần doanh thu, thuế của mình đã nộp cho từng sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng quy trình, cơ chế chuyển xác nhận tiền thuế nộp thay…