Cần siết chặt quản lý livestream bán hàng
Góc khuất ở chợ online | |
Kinh doanh livestream “lên ngôi” mùa dịch |
Bán hàng thông qua livestream đang ngày càng trở nên phổ biến trên mạng xã hội |
“Gà đẻ trứng vàng”
Một cuộc khảo sát mới đây do Facebook và Hãng tư vấn Bain & Co tiến hành với 16.500 người tiêu dùng mua sắm trên mạng ở 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, khoảng 62% số người tham gia khảo sát cho biết họ thích sử dụng các kênh trực tuyến như mạng xã hội, video ngắn và nhắn tin để tìm hiểu về các sản phẩm và thương hiệu mới.
Nắm bắt được xu hướng này, kênh bán hàng qua livestream đã thực sự bùng nổ ở Việt Nam từ các trang mạng xã hội cho đến sàn thương mại điện tử. Chia sẻ tại một buổi họp báo trực tuyến diễn ra mới đây, bà Trần Thanh Huyền, Giám đốc quản lý thương hiệu Lazada cho biết, việc livestream bán hàng trên Lazada đã bùng nổ trong mùa dịch Covid-19. Số liệu ghi nhận vào tháng 9/2020 cho thấy, lượt xem livestream đã tăng 21 lần và lượt người mua hàng qua livestream đã tăng 24 lần so với tháng 9/2019.
Không chỉ Lazada, việc livestream bán hàng cũng được ưa chuộng tại các sàn thương mại điện tử khác như Shoppe, Tiki, Sendo… Kết hợp với việc khuyến mãi, giảm giá trên livestream, các sàn thương mại điện tử này còn tích cực tung ra nhiều hình thức mới lạ để thu hút khách hàng như mời người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia livestream, săn “deal” khủng vào giờ live độc quyền… người xem vừa có thể giải trí, vừa săn được những “ưu đãi khủng” đến từ các chủ sàn.
Tuy nhiên, livestream bán hàng bùng nổ nhất phải kể đến các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok… Lướt một vòng trên Facebook, không khó để bắt gặp những livestream bán quần áo, đồ ăn, giày dép và cả những đồ giá trị như điện thoại, vàng bạc, laptop, hàng xách tay… cũng được bán tràn lan trên các video phát trực tiếp.
Chị Hà Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) - chủ một shop bán quần áo online trên Facebook cho biết: “Mình bắt đầu livestream bán hàng từ đầu năm 2019, thời gian đầu lượng tương tác chưa nhiều nên đơn hàng ít, mỗi ngày chỉ vài chục đơn. Tuy nhiên khi chăm chỉ live thường xuyên hơn, bỏ tiền khoảng vài triệu đồng để chạy quảng cáo, hiện giờ mỗi ngày mình chốt hàng trăm đơn đến khắp các tỉnh thành trên toàn quốc”. Theo chị Mai, khi bán hàng qua cách phát trực tiếp, chị thường thuê mẫu để thử đồ cho khách chọn kèm theo đó là nhiều ưu đãi, giảm giá trực tiếp trên livestream, khách hàng chỉ cần để lại tên, mã hàng, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng ở phần bình luận, đơn đã được chốt thành công.
Chủ một cửa hàng bán đồ ăn vặt online trên Facebook cũng cho biết, thông qua việc phát trực tiếp bán hàng khoảng 2-3 lần mỗi ngày vào những khung giờ “vàng”, doanh thu một tháng có thể lên tới vài chục triệu đồng trừ chi phí.
Theo các chuyên gia, livestream bán hàng đang ngày càng phát triển và là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy bán hàng online, thương mại điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, việc mua bán online đang trên đà bứt tốc, livestream bán hàng cũng bùng nổ hơn rất nhiều. Việc người mua vừa có thể thư giãn, giải trí, vừa nhận được nhiều ưu đãi lớn chính là lý do khiến livestream được ưa chuộng.
Bỏ ngỏ về chất lượng
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà hình thức bán hàng mới này đem lại, tuy nhiên, livestream cũng đã bộc lộ những lỗ hổng về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là đối với sản phẩm được bán trên mạng xã hội, chưa qua kiểm duyệt của các sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng.
Vốn là một “tín đồ” mua sắm qua mạng xã hội, đã nhiều lần chị Trịnh Kim Chi (Ba Đình, Hà Nội) rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Đơn cử như một lần chị Chi đăng ký nhận hàng mỹ phẩm dùng thử miễn phí qua một livestream trên mạng xã hội, tuy nhiên khi nhận hàng, chị phải bỏ ra hơn 100 nghìn đồng cho phí vận chuyển. Mỹ phẩm chị nhận được chỉ là một thỏi son không nhãn mác, vỏ ngoài còn bong tróc, chất lượng son cũng không như quảng cáo.
Chị Chi chia sẻ, một vài người bạn của chị cũng gặp tình cảnh tương tự, tuy nhiên nhiều người còn bỏ ra một số tiền lớn lên tới cả chục triệu đồng để mua những món đồ giá trị như điện thoại, máy tính qua mạng xã hội, tuy nhiên khi nhận hàng về không như mong muốn, dùng được một thời gian là hỏng. “Theo mình mua sắm qua mạng xã hội cũng có nhiều tiện lợi, tuy nhiên cần mua ở những shop uy tín, có đánh giá tốt và tìm hiểu kỹ về sản phẩm mới mua. Hiện tại số người lợi dụng bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua livestream rất nhiều nên người mua phải tỉnh táo lựa chọn. Sau nhiều lần mua phải hàng giả, mình cũng đã rút ra được kinh nghiệm cho bản thân”, chị Chi cho biết.
Khảo sát trên các livestream bán hàng trên mạng xã hội, giật mình khi nhiều thương hiệu nổi tiếng từ trong nước đến ngoài nước, thậm chí là mặt hàng cao cấp có giá vài chục triệu đồng cũng được rao bán công khai trên mạng xã hội với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Bằng những lời mời chào hoa mỹ như “Xả hàng, thanh lý hàng”, “mua 1 tặng 2”, “chỉ còn vài chiếc nhanh tay chốt đơn kẻo hết”… nhiều livestream có hàng chục nghìn người xem cùng lúc, số bình luận chốt đơn cũng tăng từng phút.
Theo các chuyên gia, việc livestream bán hàng tự phát và tràn lan trên mạng xã hội, không qua kiểm duyệt là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện. Việc các chủ kinh doanh bán hàng qua mạng không có địa chỉ cụ thể rõ ràng cũng là một trong những lý do khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.
Nhiều vụ việc liên quan đến bán hàng giả, hàng nhái thông qua livestream cũng đã bị phanh phui. Đơn cử như vào tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng đã đột nhập vào kho hàng lậu “khủng” giữa Lào Cai với quy mô hơn 10.000m2, chứa tới hàng chục nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... cùng dàn máy móc để livestream, mỗi tháng doanh thu lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Có thể thấy, lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái thông qua mạng xã hội là rất lớn, vì vậy theo chuyên gia cần những chế tài mạnh tay hơn để xử lý. “Tiền phạt chỉ bằng một phần nhỏ so với tiền lãi thì không đủ sức răn đe, có thể tính toán đến việc xử phạt hình sự nếu cần thiết để có thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, một chuyên gia chia sẻ.