Triển vọng của Việt Nam khi kinh tế thế giới khó khăn hơn
TS. Lê Duy Bình |
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, lạm phát cao tại Mỹ, EU đang cho thấy sự khó khăn trong lựa chọn các chính sách ứng phó, thậm chí phải chấp nhận khả năng đánh đổi. Sau quyết định tăng lãi suất 0,75% ngày 27/7 của Fed vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã hàm ý nếu thực sự phải đánh đổi giữa lạm phát cao với rủi ro suy thoái, lựa chọn sẽ là chống lạm phát. Và khi các nền kinh tế đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam chấp nhận tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái trong ngắn hạn (khiến tổng cầu ở các nền kinh tế này suy giảm) để chống lạm phát thì một nền kinh tế mở, dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam cũng đang và sẽ chịu tác động ngày càng tăng.
Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam xung quanh những động thái mới nhất nêu trên.
Theo ông những tác động từ việc Fed vừa tăng lãi suất đến Việt Nam là gì?
Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh để đối phó với lạm phát sẽ gây ra áp lực hơn nữa với Việt Nam cả về xuất nhập khẩu, tỷ giá, lãi suất… Vì như đợt Fed tăng lãi suất mạnh lần trước (tháng 6) và trước sức ép đồng USD tiếp tục tăng, NHNN đã khá linh hoạt và thành công trong duy trì tỷ giá chỉ biến động nhẹ (trong khi một loạt đồng nội tệ ở các nước khác đều giảm giá mạnh so với USD). Nhưng cũng vì như vậy nên nếu so với các đồng tiền khác như Euro hay đồng Won của Hàn Quốc thì VND lại bị giãn cách thêm (VND tăng giá thêm) so với các đồng tiền này). Tức là trong bối cảnh này, tỷ giá có các tác động trái chiều (VND không giảm mạnh so với USD nhưng tăng mạnh so với các đồng tiền khác vì các đồng tiền này mất giá mạnh so với USD). Nên khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá sẽ khiến áp lực càng tăng. Các áp lực này cũng tác động đến nhiều yếu tố khác, như đến dự trữ ngoại hối, đến xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, cán cân ngoại thương trong thời gian tới và kéo theo áp lực điều hành của NHNN tới đây cũng khó khăn hơn rất nhiều.
Liệu các động thái mới nhất của Fed có tác động đến dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam?
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào mình chủ yếu là đầu tư trực tiếp, cho nên mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn, xét theo vốn đầu tư nước ngoài nói chung. Có thể dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) sẽ bị ảnh hưởng vì dòng vốn này thường chuyển hướng rất nhanh (rút ra nhanh nhưng có thể quay trở lại cũng rất nhanh mỗi khi có biến động). Tuy nhiên, hiện nay các quy định liên quan đến dòng vốn và quỹ (tại Việt Nam chủ yếu là quỹ đóng) khá chặt chẽ nên việc rút vốn ra khỏi Việt Nam, nếu có cũng sẽ không quá nhanh và tức thì.
Còn về cơ bản, dòng đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được. Thậm chí khi VND giảm giá, một USD chuyển đổi được nhiều VND hơn không loại trừ NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có khi còn tăng.
Fed nâng lãi suất chúng ta cần nhìn nhận không chỉ tác động đến Việt Nam mà tác động đồng thời đến gần như tất cả các nền kinh tế khác. Quốc gia nào vẫn duy trì được khả năng chống chọi của mình, chứng minh được tính ổn định trong triển vọng và duy trì được KTVM vững chắc thì sẽ tiếp tục là điểm sáng để các NĐT nước ngoài tìm đến. Nếu chúng ta chứng minh được những tác động từ bên ngoài (như việc Fed tăng lãi suất) chỉ là những tác động thêm và chúng ta vẫn đứng vững được, duy trì được tỷ giá tương đối ổn định, vẫn hỗ trợ và đảm bảo được các hoạt động xuất nhập khẩu một cách bình thường, duy trì được các cân đối vĩ mô thì chắc chắn theo thời gian, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Duy trì kinh tế vĩ mô vững chắc là cơ sở quan trọng để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài |
Áp lực bên ngoài đang tiếp tục gia tăng, vậy chúng ta cần giải pháp nào để hóa giải, thưa ông?
Bối cảnh này buộc các cơ quan điều hành, DN và người dân phải nhìn nhận là thực tế thị trường đang diễn biến nhanh và liên tục như vậy và điều này có thể tiếp tục xảy ra trong những tháng tới. Như vậy, phải thường xuyên nắm bắt đầy đủ thông tin diễn biến tình hình; có các kịch bản, biện pháp và dự phòng để đối phó.
Chẳng hạn, giả định tới đây Fed, ECB, NHTW Anh… tiếp tục tăng lãi suất thì mình sẽ đối phó như thế nào? Đâu là những công cụ tiếp theo mà NHNN sẽ phải sử dụng; Đâu là những công cụ mà phía tài khóa có thể sử dụng để từ đó dự phòng và chủ động, linh hoạt áp dụng nếu cần thiết. Về phía DN, (đặc biệt liên quan xuất nhập khẩu) cũng phải chấp nhận trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi trên thị trường quốc tế vì còn rất nhiều bất định vẫn đang diễn ra để có những phương án kinh doanh thích ứng.
NHNN và các cơ quan điều hành cần có các giải pháp để giữ được các chỉ số chính của nền kinh tế tương đối ổn định, đồng thời cần dần quen với khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên trong một giai đoạn có thể dài hơn.
Đã có ý kiến kỳ vọng NHNN nâng lãi suất điều hành, nhưng cũng có những đề xuất cần giữ ổn định. Quan điểm của ông thế nào?
Tất nhiên nếu giữ được ổn định là điều tích cực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên việc nâng hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện trên thị trường. Cho đến nay, chúng ta vẫn có những công cụ, giải pháp khác (ngoài tăng lãi suất) cả về tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để kiểm soát, hạn chế được giá cả tăng. Trước mắt, chúng ta cần cố gắng phối hợp sử dụng hiệu quả nhất các công cụ này. Ví dụ, giá cả của nhiều mặt hàng hiện nay tăng là do chi phí đầu vào (và chủ yếu là do giá xăng dầu) nên cần tiếp tục xem các giải pháp để hạn chế chi phí đầu vào tăng.
Về phía NHNN, cần tiếp tục sử dụng các công cụ, nghiệp vụ như vừa qua để giữ được ổn định tỷ giá, lãi suất. Nhưng các công cụ này cũng chỉ có giới hạn, không thể sử dụng được mãi. Nếu tình hình tiếp tục căng thẳng, như áp lực lạm phát tiếp tục tăng và không chỉ từ yếu tố chi phí đẩy, thì NHNN cần sử dụng các công cụ khác. Sử dụng công cụ nào, liều lượng ra sao, thời điểm cụ thể nào... là nghệ thuật của các nhà điều hành, nhưng mấu chốt là không tạo thành cú sốc cho thị trường. Do đó, nếu tăng trưởng GDP năm nay đạt mục tiêu, trong khi lạm phát có thể tăng lên mức quá cao thì chúng ta phải chấp nhận đánh đổi như tăng lãi suất điều hành. Bởi nếu để lạm phát lên quá cao sau đó sẽ lại ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và nhiều chỉ số khác trong những năm tiếp theo. Nên điều mà chúng ta kỳ vọng là thời điểm phải “đánh đổi” ấy nếu xảy ra sẽ không sớm (như vào thời điểm cuối năm), vì khi đó chúng ta có thời gian, độ trễ lớn hơn để sử dụng các công cụ khác trước khi phải sử dụng tới các biện pháp như tăng lãi suất.
Xin cảm ơn Tiến sĩ !