Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC): Nỗ lực xây dựng cơ sở thông tin tín dụng Quốc gia
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tối đa yêu cầu của Ban lãnh đạo, các đơn vị NHNN phục vụ điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng; yêu cầu quản trị rủi ro và hỗ trợ kinh doanh của TCTD. Thúc đẩy hoạt động đăng ký tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay theo chủ trương của Thống đốc NHNN. Thực hiện mục tiêu lớn này, CIC đang nỗ lực xây dựng cơ sở TTTD Quốc gia.
Có thể thấy việc xây dựng cơ sở TTTD Quốc gia là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên, liên tục và có tính chất quyết định đến các hoạt động cung cấp thông tin của CIC. Để thực hiện mục tiêu này, CIC đã trình Thống đốc NHNN kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy, đặc biệt là tách biệt, chuyên môn hóa và liên thông các bộ phận thu thập, kiểm soát trước, kiểm soát sau và cập nhật dữ liệu. Cùng với đó, CIC chủ động xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ mới để nâng cao khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, xây dựng các ứng dụng kiểm soát các chỉ tiêu thông tin, kể cả các chỉ tiêu phụ để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu. Kết quả giai đoạn 2015-2020, CIC đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia thống nhất trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm 100% TCTD, kể cả gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt từ 95% trở lên; dữ liệu lịch sử được phân tổ, lưu trữ tối thiểu 5 năm trên nền tảng công nghệ hiện đại, có thể truy xuất phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ khác nhau.
Bên cạnh đó, CIC cũng đã nỗ lực mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành và khoảng 50 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Cụ thể, từ năm 2017, CIC đã cập nhật thành công 100% thông tin đăng ký doanh nghiệp, trên 200.000 BCTC doanh nghiệp hàng năm từ Trung tâm HTKD - Bộ Kế hoạch và đầu tư, hoàn thành xây dựng dự án kết nối thông tin với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an để xác thực thông tin khách hàng vay cá nhân, Bên cạnh đó, CIC còn chủ động làm việc với các cơ quan khác có quản lý dữ liệu về dân cư như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông để tìm kiếm các nguồn thông tin thay thế khác bổ sung vào kho dữ liệu, nâng cao độ phủ thông tin.
Tổng số chủ thể thông tin được cập nhật và lưu trữ trong kho dữ liệu TTTD Quốc gia đến hết quý I/2020 là trên 43,4 triệu, bao gồm 1,2 triệu pháp nhân và trên 42,2 triệu thể nhân, vượt trên 30% so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng bộ CIC lần thứ nhất nhiệm kỳ 2015-2020.
Để vận hành và sử dụng cơ sở TTTD Quốc gia được liên thông, ổn định năm 2017, CIC đã hoàn thành và chính thức vận hành toàn bộ hệ thống mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS - cấu phần CIC. Tất cả các mặt hoạt động của CIC từ khi đưa hệ thống mới vào vận hành đến nay đều có sự tăng trưởng cao, từ số lượng và chất lượng dữ liệu đầu vào tới các sản phẩm dịch vụ và hoạt động nghiệp vụ khác. Bên cạnh đó, hệ thống mới còn cho phép CIC có thể triển khai một số hoạt động nghiệp vụ mới và có thể đầu tư phát triển mở rộng trong tương lai. Kết quả này cũng đã được WB ghi nhận trong các báo cáo đánh giá kết quả định kỳ của dự án.
Bên cạnh đó, CIC đã xây dựng và trình Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp tất cả các cấu phần trong hệ thống CNTT (Trung tâm dữ liệu DC, Trung tâm dự phòng DR, phòng máy chủ tại Chi nhánh HCM, Hệ thống quản lý, giám sát tập trung); tổ chức nâng cấp ngay một số ứng dụng phần mềm theo các quy trình nghiệp vụ mới, đảm bảo tự động hóa cao trên nền tảng CNTT; triển khai xây dựng chính sách an toàn thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả; thí điểm kênh cung cấp TTTD mới hiện đại Host-to-host, kết nối trực tiếp hệ thống quản trị rủi ro, đáp ứng phê duyệt tín dụng của TCTD với hệ thống của CIC để tăng hiệu suất cung cấp thông tin đạt mức cao.
Trong thời gian tới, CIC tập trung phát triển hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, có chất lượng theo xu hướng phát triển ngành báo cáo tín dụng quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong đó, cần đón đầu được xu hướng phát triển của công nghệ tài chính, dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng mở... Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, cơ quan TTTD quốc tế để triển khai các hoạt động hợp tác phát triển nghiệp vụ, đào tạo, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, đàm phán và triển khai hoạt động trao đổi thông tin xuyên biên giới; Khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hệ thống TTTD quốc gia theo xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.