Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: 10 sự kiện nổi bật của CIC
Kho thông tin và vấn đề chấm điểm tín dụng | |
Chất lượng thông tin tín dụng: Yếu tố thiết yếu cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng | |
Tiếp cận tín dụng góp phần nâng hạng quốc gia |
Chúng ta cùng nhìn lại 10 sự kiện lớn của CIC trong năm 2019 ghi nhiều dấu ấn trên quãng đường tròn 20 năm hoạt động của tổ chức này.
1.Kỷ niệm 20 năm thành lập CIC và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Từ khi thành lập đến nay, CIC đã từng bước xây dựng hệ thống thông tin tín dụng trong ngành một cách lớn mạnh; hoàn thiện cả về cơ cấu tổ chức và quy mô hoạt động. CIC đã xây dựng mô hình hoạt động phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời tham mưu, trình NHNN ban hành hệ thống văn bản pháp lý khá đầy đủ, tiếp thu được các chuẩn mực của ngành thông tin tín dụng trên thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam. CIC đã xây dựng được kho dữ liệu tín dụng quốc gia thống nhất, đầy đủ, có chất lượng trên nền tảng công nghệ cao. CIC xây dựng được hệ thống sản phẩm, dịch vụ phong phú được cung cấp đa dạng trên nhiều kênh, có thể truy cập theo thời gian thực tới từng hợp đồng, khế ước vay. CIC đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại với quy trình nghiệp vụ phù hợp, được xử lý tự động và kết nối xuyên suốt. CIC cũng không ngừng mở rộng hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính IFC, Ngân hàng châu Á.
Kho dữ liệu của CIC đã giảm thiểu rủi ro cho các TCTD |
2.Tổ chức thành công Hội nghị thường niên mạng lưới Thông tin tín dụng châu Á (ACRN) lần thứ 3. Hội nghị tập trung vào các vấn đề như: Vai trò quan trọng của Trung tâm thông tin tín dụng công lập; Thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới hỗ trợ xuất khẩu lao động và thương mại đầu tư; Những xu hướng mới nhất tác động đến hoạt động thông tin tín dụng và thực tiễn tại một số quốc gia trong khu vực như: nhận biết khách hàng điện tử eKYC, vai trò của eKYC đối với cho vay trên nền tảng số, phát triển dữ liệu thay thế hỗ trợ hoạt động của các TCTD…; Kết nạp thêm thành viên để phát triển mạng lưới và thảo luận các giải pháp thúc đẩy hoạt động của mạng lưới. Các nội dung được trao đổi tại hội nghị được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam - quốc gia đang từng bước nỗ lực phát triển và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động thông tin tín dụng.
3. Đạt điểm tối đa về chiều sâu thông tin tín dụng 8/8 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Theo Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020 công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cải thiện đáng kể và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với năm 2019, đứng thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau Brunei), cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD. Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành. Đặc biệt, chất lượng thông tin tín dụng cải thiện được xem là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.
4. Giảm giá sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng 2 lần theo Quyết định số 105/QĐ - thông tin tín dụng ngày 17/4/2019 và Quyết định 203/QĐ-TTTD ngày 30/9/2019. Với lần giảm thứ hai liên tiếp trong năm 2019 của CIC, giá các sản phẩm thông tin tín dụng sẽ có mức giảm trung bình 15% so với hiện hành. Trước đó, ngày 17/4/2019, CIC đã giảm giá 10% toàn bộ sản phẩm thông tin tín dụng. Động thái giảm giá này của CIC được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào, đồng thời giúp ngân hàng đẩy mạnh hơn việc tra soát thông tin tín dụng của khách hàng vay, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp. Đặc biệt, CIC vẫn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi với một số tổ chức như: Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô: áp dụng mức giá bằng 20% so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho TCTD; Ngân hàng Chính sách xã hội: áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng cung cấp cho TCTD.
5. Vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Với cổng thông tin này, CIC cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh trên website (https://www.cic.gov.vn) và ứng dụng điện thoại thông minh "CIC Credit Connect - Kết nối nhu cầu vay" (trên nền tảng Android và IOS) với nhiều tiện ích để kết nối TCTD với khách hàng vay. Cổng thông tin của CIC thực hiện nhiệm vụ chính trị do Ngân hàng Nhà nước giao, chỉ kết nối các đơn vị trong hệ thống TCTD và khách hàng vay, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và không trực tiếp cung cấp dịch vụ tín dụng mà là trung gian kết nối. Cổng thông tin đảm bảo tính công bằng minh bạch, đảm bảo an toàn bí mật. Cổng cũng gắn điểm tín dụng của khách hàng với quá trình lựa chọn khách hàng của TCTD.
6.Cung cấp kênh kết nối trực tiếp H2H đến 10 TCTD và đang hoàn thiện giải pháp kết nối chuẩn để triển khai nhân rộng. Mô hình kết nối trực tiếp (Host to Host - H2H) với các giải pháp kỹ thuật mới bao gồm 2 cổng kết nối đặt tại TCTD và CIC (API gateway) cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều qua đường truyền riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu báo cáo thông tin tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời khai thác có hiệu quả sản phẩm, dịch vụ của CIC. Đặc biệt, đây là hệ thống chuyển dữ liệu hai chiều tự động, cho phép tinh giản hoạt động hỏi tin, tiết kiệm về phí dịch vụ, lao động và thời gian, giảm bớt can thiệp của con người vào quá trình hỏi và trả lời tin. Hệ thống kết nối H2H còn cho phép TCTD quản lý tập trung và có hệ thống các thông tin đã khai thác từ CIC để phục vụ cho các hoạt động quản trị rủi ro và là nguồn dữ liệu lịch sử quan trọng để các TCTD xây dựng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro nội bộ.
7. Kho dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia cập nhật và lưu trữ 42,3 triệu hồ sơ, với độ phủ thông tin tín dụng đạt mức 59,4% dân số trưởng thành, chiều sâu thông tin tín dụng. được cải thiện đáng kể từ các nguồn thông tin thu thập trong và ngoài ngành.
8.Tăng trưởng cung cấp thông tin đạt mức cao (20,5%) với hơn 34 triệu báo cáo các loại được cung cấp cho hệ thống ngân hàng.
9. Hoạt động Hợp tác quốc tế được mở rộng, tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế về thông tin tín dụng (APEC, ACRN, BIIA, FICOWorld…). CIC đã tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế về thông tin tín dụng, có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới.
10. Mở rộng các hoạt động đoàn thể, chương trình tri ân, hành trình tình nguyện, xây nhà tình nghĩa… đến các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) và miền núi phía bắc (Điện Biên).