Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: "Rào chắn" an toàn cho hoạt động tín dụng vùng cao
Với đặc điểm dân cư thưa thớt, người dân ở rải rác, các huyện, xã cũng cách xa nhau tới hàng chục km đường, đi lại trắc trở nên hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, thẩm định vốn vay... anh Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chi nhánh Yên Bái chia sẻ, đã từ lâu nghiệp vụ "check" thông tin tín dụng (TTTD) đã là một phần bắt buộc trong quy trình nghiệp vụ của ngân hàng. TTTD của CIC đã trở thành một "rào chắn" hiệu quả trong hoạt động tín dụng của chi nhánh. Có nhiều trường hợp chi nhánh đã "phanh" cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng nhờ phát hiện nợ xấu trên hệ thống CIC. Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn nhiều nơi, hoặc chậm trả... cũng được CIC cảnh báo kịp thời.
Ảnh minh họa |
Chính những thông tin như vậy đã giúp cho hoạt động tín dụng của chi nhánh đảm bảo an toàn hơn rất nhiều. Đặc biệt là với địa bàn vùng núi nơi người dân sinh sống xa nhau, người dân vay vốn ở một vài ngân hàng là có và khó thẩm định kỹ được. Thế nhưng dưới "mắt thần" của CIC thì mọi thông tin gian dối của khách hàng đều được bóc tách, đây cũng là cơ sở để ngân hàng ra phán quyết cấp tín dụng cho khách hàng hay không!
Anh Lâm Văn Đức, cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Lào Cai II khẳng định, TTTD đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, mỗi khi một khách hàng "nhẩy" nhóm nợ thì tất cả các khoản nợ của khách hàng ở các ngân hàng khác (nếu có) đều nhận được cảnh báo của CIC. Đây chính là "tiếng chuông" cảnh báo hữu hiệu đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng trong phòng ngừa nợ xấu. Bởi chỉ cần khách hàng phát sinh một khoản nợ xấu thì khách hàng ấy sẽ được giám sát tín dụng, đồng thời cán bộ tín dụng sẽ trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân, tìm hướng khắc phục để không gia tăng thêm nợ xấu đối với khách hàng đó. Bên cạnh đó, nếu nợ xấu phát sinh do mất mùa, thiên tai... thì ngân hàng cũng sẽ phối hợp với khách hàng để kịp thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất.
Chỉ tính đơn cử như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua thôi, thấy trước nguy cơ nợ xấu phát sinh, khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh, ngân hàng đã đồng loạt đưa ra nhiều gói giải pháp liên hoàn như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, cho vay vốn ưu đãi, cơ cấu lại nợ... để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
Đến nay chi nhánh đã thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ gốc, kỳ hạn trả lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 88 doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng với số tiền 255 tỷ đồng; Miễn giảm lãi vay 1% cho 64 khách hàng với số tiền dư nợ 236 tỷ, số lãi đã miễn giảm trên 1 tỷ đồng; cho vay mới theo chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 100.000 tỷ đồng của Agribank đối với những khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 88 khách hàng, với số tiền 481 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ cho khách hàng giảm từ 2%-2,5%/năm.
Được biết, CIC hiện đã hướng dẫn TCTD báo cáo thông tin khách hàng vay được điều chỉnh giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. CIC cũng tiến hành thực hiện giai đoạn cuối của mô hình Chấm điểm thể nhân CIC 2.0: vận hành công cụ chấm điểm RCLIPS vào hệ thống của CIC. Cùng với đó, CIC đã ký mới 62 hợp đồng với các tổ chức tín dụng, nâng tổng số người sử dụng trên toàn quốc lên trên 53.478 tài khoản khai thác.
Trong thời gian tới, CIC sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; Đẩy nhanh Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của CIC giai đoạn 2018-2023; Tổ chức thu thập và xử lý dữ liệu từ các đơn vị trong và ngoài Ngành, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia; Hoàn thiện xây dựng Mô hình chấm điểm thể nhân CIC 2.0 và giới thiệu về mô hình chấm điểm mới đến các tổ chức tín dụng.