Trùng tu di tích Quan Tượng Đài: Hoàn chỉnh tổng thể Di sản Kinh thành Huế
Đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam
Quan Tượng Đài tọa lạc tại phía Tây Nam Kinh thành Huế, được xây dựng vào tháng 3/1827 - năm Minh Mạng thứ tám. Phía trên đài cao có đình Bát Phong, phía ngoài đình còn dựng cán cờ treo cờ đỏ. Quan Tượng Đài ở Kinh thành Huế thời Nguyễn được quản lý bởi cơ quan Khâm Thiên Giám - một cơ quan thành lập dưới thời Gia Long và được tổ chức quy củ thời Minh Mạng.
Phối cảnh Quan Tượng Đài sau khi trùng tu
Quan Tượng Đài là nơi các nhà chiêm tinh của Khâm Thiên Giám dùng kính thiên văn quan sát mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú để xác định tọa độ địa lý của các tỉnh thành trong cả nước. Chức năng của cơ quan này là quan sát thiên văn, dự báo thời tiết, xem phong thủy, làm lịch hàng năm cũng như chọn giờ, báo ngày hàng ngày.
Hiện nay đình cổ Bát Phong chỉ còn là phế tích nhưng đài thì vẫn còn nguyên vẹn. Đài được xây bó xung quanh bằng gạch vồ, bên ngoài trát một lớp vữa bằng vôi mật. Ven theo các cạnh của một mặt bằng trên đài, ngày xưa có xây một hệ thống lan can, bổ trụ ở bốn góc. Từ phía cầu Bạch Hổ nhìn vào, người ta thấy nền đài này giống như một hình tháp cụt.
Đây là hệ thống bậc cấp xây đặc, hai bên ốp gạch vồ và dọc phía trên của hai bên cũng có xây lan can. Con đường dốc ấy rộng đến hơn 8m, ở giữa là hệ thống bậc cấp xây bằng đá gan gà và hai bên là hai lề đường lát bằng gạch. Cuối thời Nguyễn, cùng với sự suy tàn của triều đại, hoạt động của cơ quan Khâm Thiên Giám dần dần bị thu hẹp và triệt tiêu, đến nay chỉ còn phế tích.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, Quan Tượng Đài là đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam; ngoài ý nghĩa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học… Quan Tượng Đài còn có giá trị về mặt kiến trúc tổng thể Kinh thành Huế.
Góp phần hoàn chỉnh Di sản Kinh thành Huế
Theo Quyết định số 687/QĐ-VHTTDL ngày 27/2/2012 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tháng 4/2012 Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai hoạt động thám sát khảo cổ tại Quan Tượng Đài nhằm tìm hiểu vị trí, kích thước, cấu trúc nền móng của kiến trúc đình Bát Phong trên Quan Tượng Đài; xác định kích thước cấu trúc của hệ thống thoát nước, nền di tích, hệ thống bậc cấp…
Kết quả khảo sát đã làm xuất lộ các mảng gạch Bát Tràng trong tình trạng bị đập vỡ không còn nguyên vẹn; nền móng đình Bát Phong cấu trúc hình bát giác về cơ bản còn lại khá nguyên vẹn; xung quanh ba mặt tường Quan Tượng Đài, ngay dưới hệ thống lan can người ta đều trổ các lỗ thoát nước mặt. Toàn bộ hệ thống bậc cấp được sử dụng đá gan gà và được xếp ngay ngắn, hoàn toàn không dùng vữa liên kết. Đáng chú ý, trên rất nhiều viên đá bậc cấp có ghi những ký tự Hán Nôm. Phần móng của Quan Tượng Đài được xây dựng trên một nền đất được gia cố chắc chắn, các chân tường đài được xây dựng choãi ra tạo độ vững trãi cho công trình.
Sau đợt thám sát khảo cổ học, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã lập dự án phục hồi tu bổ. Hiện nay, dự án tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế đầu tư vốn và giao cho Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung – một đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực trùng tu di tích Huế - đảm nhận thiết kế thực hiện.
Thời gian thi công tu bổ, phục hồi Quan Tượng Đài dự kiến trong khoảng 10 tháng (từ 30/10/2012 đến 30/8/2013), với tổng kinh phí gần 3,8 tỷ đồng lấy từ nguồn thu vé tham quan di tích của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Các hạng mục bảo tồn phục hồi gồm: nền đài, Đình Bát Phong, đường dẫn từ chân thành lên đài và hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, chống sét, điện chiếu sáng và phòng chống cháy) trên phần diện tích 924 m2 của khu vực Quan Tượng Đài.
TS Phan Thanh Hải nhận định, công trình Quan Tượng Đài sau khi được tu bổ sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm diện mạo Di sản văn hóa thế giới Kinh thành Huế. Khu vực Thượng thành sẽ là điểm tham quan lý thú của du khách đến Huế với điểm nhấn nhấn là đình Bát Phong, Quan Tượng Đài, nơi mà du khách có thể phóng tầm mắt đến khu vực sông Hương - Cồn Giã Viên và cảnh quan sông núi xứ Huế.
Bài và ảnh Phạm Trần Quỳnh