Trung tướng Châu Văn Mẫn: Nhớ những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo
Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương hướng về Côn Đảo | |
VietinBank tổ chức lễ gắn biển, bàn giao Công trình Thanh niên tại Côn Đảo | |
Tri ân các anh hùng liệt sỹ và cựu tù chính trị tại Côn Đảo |
Đều đặn trong nhiều năm qua, cứ vào những ngày tháng 4 lịch sử, Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên là Quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục xây dựng lực lượng (nay là Tổng Cục chính trị) Bộ Công an, một vị Trung tướng anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, luôn có những chuyến trở về Côn Đảo để gặp lại một thời không thể quên trong chặng đường đời chiến đấu, hoạt động của mình. Nơi ông đã dành trọn cả tuổi trẻ đầy sức vóc cùng tinh thần chiến đấu, hy sinh vì một ngày hòa bình của dân tộc.
Năm nay, đặc biệt hơn, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã cho ra mắt cuốn sách hồi ký “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” do Trần Hoàng Thiên Kim chắp bút. Đây là cuốn sách ông kể về cuộc đời của mình từ ngày còn thơ bé ở mảnh đất nghèo đầy thương khó trên quê hương cát bỏng Tiên Khê - Bình Sa - Quảng Nam cho đến khi trở thành một chiến sĩ cách mạng chiến đấu anh hùng ở Côn Đảo, những lần bị tra tấn dã man cận kề cái chết, rồi chiến đấu và chiến thắng trở về xây dựng quê hương, đất nước.
Đối với Trung tướng Châu Văn Mẫn, cuộc đời ông như một sự sắp đặt của số phận, đến với cách mạng, rồi chiến đấu quả cảm và được sống sót trở về với gia đình, với vợ con và quê hương, được tiếp tục khoác trên vai bộ quân phục Công an nhân dân để tiếp tục chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong thời bình, một cuộc chiến cũng đầy cam go trên mọi mặt trận trước những kẻ thù giấu mặt…
Cuộc đời ông, như sự chia sẻ của ông, đó là một cuộc đời đầy giông bão nhưng cũng đầy hạnh phúc của một người đã nếm trải đầy đủ những phong ba, bão táp, những đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần để có một ngày yên bình, tự do cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương.
Ông chia sẻ: 15 tuổi, tôi bị địch bắt, khi đang hoạt động tại Buôn Ma Thuột vào Tết Mậu Thân 1968. Khi đó tôi đang làm liên lạc thì chúng ập đến, tôi đã kịp phi tang tài liệu nên chúng không thể khai thác được gì. Tôi vẫn nhớ chúng đã tra khảo, bịt mắt, còng tay tôi từ phòng giam ra phòng thẩm vấn. Tôi nghe tiếng nện của gót giày từ xa, càng ngày càng nghe rõ. Nghe tiếng giày dừng lại thì người tôi bị đánh xối xả lên đầu và hai vai, chúng còn bảo: “Mày đã vào đây mà còn ngoan cố hả. Này thì ngoan cố này, ngoan cố này”, lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng mệt quá thì dừng lại. Chúng tiếp tục đánh cho đến mỏi tay thì thôi. Tôi thấm từng đòn roi vào da thịt, đôi khi cảm giác không thể trụ nổi bởi nỗi đau thể xác này, nhưng tôi cố cắn răng chịu đựng. Tôi nghĩ đến cha mẹ, đến những người anh, người đồng đội. 10 ngày ròng rã, chúng luân phiên thay nhau tra hỏi.
Kể cả có những hôm chúng hỏi cả ngày lẫn đêm. Liên tục, liên tục hết giật điện, đến đòn roi ở hai rái tai của tôi lúc nào chúng cũng cặp dây điện. Mỗi lần chúng giật điện hai bên rái tai giống như hai con chuột chạy nghe chin chít, đôi mắt rực đỏ như giông chớp. Tôi chỉ mới là thằng bé 15 tuổi, quá nhỏ con cả tuổi tác và thân hình đối với chúng. Nhưng không hiểu sao nỗi đau về thể xác của tôi không thấm vào đâu so với nỗi căm hờn của tôi. Càng đớn đau, càng căm giận tôi càng lì xị cái mặt đầy nước mắt đau đớn của mình nhìn chúng. Dường như mọi nỗi căm hờn trút cả lên đôi mắt đỏ hoe của tôi. Khi tra hỏi không mang lại kết quả, chúng lại xuống giọng dụ hàng…
Tôi không trả lời chúng, vì sự đau đớn của thể xác đã khiến tôi lả đi. Sau 10 ngày thẩm vấn, chúng đưa tôi sang “trung tâm cải huấn” Buôn Mê Thuột (thời Pháp gọi là nhà đày Buôn Mê Thuột). Nhà lao này có hai khu A và khu B. Khu A là giam chính trị phạm tội, khu B là tội phạm hình sự, phụ nữ giam riêng.
Theo quy định của chính quyền Ngụy Sài Gòn, nơi này chỉ giam giữ can phạm có mức án 6 tháng trở lại, trên 6 tháng đi Quân lao Nha Trang, 18 tháng trở lên đày đi Côn Đảo. 3 tháng lặng lẽ trôi qua trong nhà tù Buôn Mê Thuột, ngày 4/4/1970 chúng đưa tôi và 30 anh em khác chính trị là người dân tộc ít người bị bịt mắt, còng tay, lên máy bay KRibu xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển sang máy bay EDC ra Côn Đảo.
Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay. Cái cảm giác lạ lùng mình được như chim bay trên bầu trời rộng lớn thật là thích thú với một thằng bé con như tôi. Có lẽ, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không phải là đi đày thì biết bao giờ mình được đi máy bay.
Khi đặt chân đến sân bay Côn Sơn, chính quyền tại đây không có ôtô vận chuyển anh em chúng tôi về trại Côn Sơn, chúng tôi chấp nhận cái gian khổ ban đầu ở đảo Côn Sơn là đi bộ trong đêm, vượt đèo núi đến trung tâm cải huấn Côn Sơn. Tôi được trung tâm phân về ở phòng 13, khu A, trại 6, được ít hôm chúng lại chuyển về phòng 7, khu B, trại 6. Thời điểm này, chúng dùng rất nhiều chiêu trò để hòng đàn áp tinh thần của chúng tôi.
Chúng hạn chế tắm nóng, tắm nước ngọt không có tí gì cải thiện đời sống. Chỉ trường kỳ ăn đói, cơm hẩm, khô đắng, mắm chua, thiếu rau xanh trầm trọng, nhiều anh em tới buổi nhân viên hỏa thực khiêng cơm để trước phòng, nghe mùi cơm mốc, khô đắng, mắm sặc đã nôn ói, bệnh tật phát triển, nhất là bệnh phù thũng, bại liệt vì bữa ăn không có rau, không có chất dinh dưỡng. Thiếu rau xanh, nên ai cũng thèm thuồng. Tôi nhớ một lần chúng mở cửa cho ra ngoài tắm nắng, đi dọc hàng rào kẽm gai thấy cây cỏ xước mọc trên cát ven rào, tôi hái được mấy lá, phủi sạch cát cho vào miệng ngấu nghiến, tôi nhận thấy hương vị ngọt ngào như được ăn cây cải xanh lúc ở nhà.
Khi ra tù, ăn uống đã được đầy đủ, tôi hái lá của cây cỏ xước ấy để ăn lại lần nữa nhưng hương vị của nó quá đắng, không thể ăn được như lúc trước đã từng ăn. Tuy thế, tôi là lớp trẻ, tuổi đời 19 - 20 quanh năm suốt tháng phải ăn đói, hôm nào chia cơm, mâm tôi được chia một bát cơm thừa, anh em nén chặt bát cơm, lấy đũa chia đều 10 miếng cho 10 người.
Trong mâm tôi là người nhỏ tuổi nhất tôi nhớ chú Đặng Tuyến người Quế Sơn - Quảng Nam ốm yếu, thường bệnh tật, hôm nào chú không ăn thêm được, phần cơm đó chú cho tôi. Do bị đói triền miên ngày này sang ngày khác nên tuy là một phần 10 chén cơm nhưng tôi rất sung sướng trong lòng như được nhận của mẹ món quà lớn. Sau ngày ra tù, cũng nhiều sự thất lạc thông tin nên khi biết đến để hỏi thăm thì biết rằng chú không còn nữa, nhưng cái ơn nghĩa ấy của chú, tôi còn ghi nhớ mãi.
Vào chiều 29/4/1975, được tin Sài Gòn thất thủ, ở Côn Đảo diễn ra một cuộc tháo chạy cực lớn. Bầu trời Côn Đảo náo loạn, máy bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống như mắc cửi chở quân, tướng Mỹ, cai ngục đóng tại Côn Đảo di tản ra tàu sân bay đang đón đợi ngoài khơi. Riêng "chúa đảo" Lân Hữu Phương đã tự lái xe trong đêm, chở vợ con qua chi khu Bến Đầm bí mật xuống tàu di tản.
Sáng 30/4/1975, lúc đầu địch mưu tính canh giữ các nhà tù nghiêm ngặt, sau đó thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót, nhưng cuối cùng chúng đã không thể thực hiện được âm mưu khủng khiếp này. Khi nghe tin chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng, toàn bộ quân tướng, cai ngục trên đảo chỉ còn một suy nghĩ duy nhất: Chạy trốn. Trên đảo đã diễn ra một cuộc di tản kéo dài tới tận nửa đêm trong khung cảnh hỗn loạn. Trước tình hình này, linh mục Phạm Gia Thụy đã vận động giáo dân trong họ đạo Côn Sơn không di tản, ở lại giúp tù chính trị thoát khỏi ngục tù. Ông vận động được một nhóm lính bảo an mở cửa nhà lao giải thoát tù chính trị.
Trong khi đó, hầu hết tù chính trị trong các trại đều bị canh giữ, không hề hay biết thông tin, nhiều trại đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Những ngày tiếp theo, trên bầu trời Côn Đảo, chúng tôi thấy máy bay trực thăng của địch bay thấp và bay lại nhiều, anh em chúng tôi nhận định có lẽ bên ngoài có sự biến động gì đó nhưng không hiểu có biến động gì.
Ngày 30/4, 1/5 sắp đến, lúc này do địch xáo trộn liên tục nên bộ máy của chi ủy, đảng ủy không có, từng phòng một số anh em nòng cốt hội ý tiếp tục phát huy truyền thống trại 6B phải tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động qua đánh morse liên lạc, 3 phòng đều nhất trí làm lễ vào lúc 5h sáng ngày 1/5. Đúng 5h sáng, hiệu lệnh của người chỉ huy hô lớn “Anh em tập trung mắt hướng về phía Bắc làm lễ chào cờ”, tiếng hát “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng tiến bước…”, dứt bài ca đồng chí đại diện đã nêu lên ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động và kết thúc bằng tràng vỗ tay vang dội giữa không gian yên tĩnh.
Theo thường lệ cứ mỗi lần tiến hành lễ kỷ niệm thì địch lại đàn áp anh em phải chịu lựu đạn cay, phi tiễn, đòn roi nên có lẽ tiếng hô la đó là tiếng phản đối của anh em trại 7 phản đối địch đàn áp tù nhân, chúng tôi im lặng tiếp tục theo dõi diễn biến ở bên ngoài. Khi chắc chắn Sài Gòn được giải phóng, những người tù chính trị vỡ òa sung sướng. Họ nhanh chóng loan báo tin tới các phân trại. Tiếng reo hò hân hoan vang lên dậy trời. Bắt đầu từ khu H, tới 3 giờ sáng 1/5/1975, cả tám khu của trại VII hoàn toàn được giải phóng.
Đến khoảng 7h sáng xuất hiện hình dáng 3 chiến sĩ giải phóng quần áo bà ba, nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ khoác trên tay súng ngắn, súng dài bước đến gần cửa phòng giam chúng tôi. Ba đồng chí ấy cho biết, các đồng chí từ trại 7 đến thông báo để anh em rõ: “Sài Gòn đã giải phóng, trại 7 đã giải phóng, anh em chúng tôi đến thông báo thông tin ban đầu cho anh em rõ”, đồng thời các đồng chí đề nghị anh em giữ trật tự đâu vào đó lát nữa sẽ có người đến mở cửa phòng giam cho anh em.
Tôi vô cùng xúc động, cái cảm xúc hòa quyện sướng vui mừng chiến thắng, sướng vui nhìn thấy anh giải phóng quân, sướng vui trong niềm vui của anh em đang sung sướng reo hò. Tôi nghẹn ngào, dàn dụa nước mắt nói không nên lời, ôm chặt các đồng chí anh em ở trong phòng cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng. Vậy là sau tất cả những tủi nhục, đớn đau, những đòi roi tra tấn dã man của kẻ thù, cuối cùng, chúng tôi cũng là người chiến thắng. Tôi đã mơ một ngày trở về với mẹ thân yêu, trở về bên gia đình ấm áp tình cảm. Trở về để được ăn bát cơm nóng hổi của mẹ nấu, được tắm dòng nước mát quê hương, được hưởng bầu không khí trong lành của tự do, của hạnh phúc…
Trung tướng Châu Văn Mẫn đã nghỉ hưu, dù vẫn mang trong mình nhiều mảnh đạt còn sót lại của cuộc chiến, đối diện với nhiều tật bệnh, nhiều lần chết hụt vì di chứng của chiến tranh còn để lại trên cơ thể ông, nhưng ông vẫn trở về mảnh đất Côn Đảo, nơi chứng kiến đầu rơi máu chảy của bao đồng đội, để được thắp lên mộ họ một nén nhang thơm, một cành hoa trắng… để nhớ mãi về một thời tuổi trẻ đã cống hiến cho những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo và mãi mãi những mùa xuân của ngày hôm nay...