Tự do kinh tế tạo động năng để vượt ‘bẫy thu nhập trung bình’
Thịnh vượng quốc gia đi liền với kinh tế thị trường và tự do kinh tế
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế thị trường tại Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) do Fraser Institute của Canada xây dựng, các đại biểu tại tọa đàm chỉ ra khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ tự do kinh tế, mức độ của kinh tế thị trường với sự thịnh vượng của quốc gia.
“Điều này có hàm ý rất rõ với Việt Nam hiện nay, do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam”, TS. Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phát biểu.
Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, TS. Fred McMahon (Fraser Institute) nói, xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi.
“Những quốc gia thịnh vượng nhất cũng là những quốc gia có tự do kinh tế cao nhất”, TS. Fred McMahon nói.
Theo ông, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này.
Ở những quốc gia có tự do kinh tế cao thì tuổi thọ cao hơn, thu nhập trung bình hơn 36.000 USD, tỷ lệ người dân sống điều kiện cực nghèo rất thấp (1,8% dân số). Trong khi ở các nước có tự do kinh tế thấp thì có tới 40,5% dân số cực nghèo và có hơn 27% dân số tương đối nghèo và thu nhập bình quân chỉ ở mức 6.100 USD.
“Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng đáng nể”, TS. Fred McMahon phát biểu, đồng thời lưu ý khi các quốc gia ngày càng giàu thì tốc độ tăng trưởng chậm dần và nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao thì nay tàn phai vì thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế.
Ông nhấn mạnh: Tự do kinh tế tạo ra động năng để nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó cũng là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không có kinh tế thị trường là thất bại
Theo bộ chỉ số EFW, mức độ thị trường của Việt Nam hiện nay còn thấp. Vậy, cần làm gì để đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh Việt Nam đang tiến đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Mức độ thị trường trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn thấp
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, giải thích: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trên cơ sở nền kinh tế có đầy đủ đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại.
Trong kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước và thị trường không thể tách rời, nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo.
Đặc trưng chủ yếu nền kinh tế thị trường hiện đại là có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định, tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng và có trật tự.
Để đánh giá về mức độ tự do hóa và kinh tế thị trường cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt.
Nhưng, “đáng tiếc rằng, cả vai trò Nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém. Cả hai chỉ số hiệu lực của Chính phủ và mức độ phát triển thị trường của chúng ta nằm ở top dưới”, ông Cung nói.
Dẫn con số kinh tế tư nhân mới đóng góp 10% GDP, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng như vậy chưa thể nói là đã có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
“Việt Nam đã xác định xây dựng kinh tế thị trường từ lâu, văn bản, nghị quyết về xây dựng kinh tế thị trường ở Việt Nam rất nhiều, nhưng khoảng cách từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo đến khâu thực hiện còn xa”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia này, sau 30 năm Đổi mới chúng ta đã thoát nghèo trở thành nước thu nhập trung bình. Khát vọng của chúng ta là đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước chúng ta đã là nước thu nhập trung bình cao. Nhưng nếu không có làn sóng cải cách đổi mới thứ hai, chúng ta vẫn sẽ chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp hiện nay.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị Việt Nam phải tiếp tục cải cách quản lý, thay đổi tư duy. Thay đổi trước hết đó là phải tăng tính minh bạch - ra quyết định - giải trình - trách nhiệm.
Ông Doanh nhắc lại đã có 90 nước công nhận kinh tế thị trường ở Việt Nam nhưng Mỹ và EU chưa công nhận. Phải tiếp tục cải cách mạnh hơn, Covid-19 lại càng thêm động lực cải cách.
“Nền kinh tế thị trường không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có kinh tế thị trường thì chúng ta thất bại! Phải tìm được khâu đột phá vì không có khâu đột phá thì chúng ta cứ mãi loay hoay”, TS. Nguyễn Đình Cung chốt lại.
Cảm nhận cải cách đang suy giảm và chậm lại