Tỷ giá bình yên khi Fed tăng lãi suất
Fed tăng lãi suất tác động ra sao đến tỷ giá tại Việt Nam? |
Một trong những sự kiện quan trọng trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần qua là ngày 16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm đồng thời dự kiến có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022 và 3 lần trong năm tới. Đây cũng là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất kể từ tháng 3/2020 đánh dấu sự đảo chiều chính sách kể từ khi nới lỏng để ứng phó với đại dịch COVID-19 hai năm qua. Song lần tăng lãi suất này của Fed diễn ra khá êm ả. Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF - đang đứng ở mức 98,37 điểm, giảm 0,25% so với chốt phiên trước.
Trên thị trường tiền tệ tại Việt Nam cũng có diễn biến tương tự. Tỷ giá trung tâm đã có 2 phiên giảm liên tiếp sau động thái của Fed khi giảm 21 đồng trong phiên ngày 17/3 và giảm tiếp 25 đồng trong phiên cuối tuần, xuống mức 23.142 đồng/USD.
Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên, niêm yết lần lượt ở mức 22.550 đồng/USD và 23.050 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.799 đồng/USD, giảm 1 đồng so với phiên 16/3.
Giá mua bán USD tại các NHTM cũng giảm nhẹ. Chốt phiên cuối tuần, giá mua bán đồng bạc xanh của VietinBank được niêm yết ở mức 22.705/23.005 đồng/USD, giảm 12 đồng mỗi chiều so với sáng ngày 16/3. Tương tự giá mua – bán USD tại Vietcombank cũng giảm 20 đồng so với sáng 16/3 xuống mức 22.690/23.000 đồng/USD…
Việc Fed tăng lãi suất tuần qua không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước |
Theo nhận định của các chuyên gia, việc thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam vẫn ổn định trước quyết định này của Fed là do mức tăng lãi suất không lớn và được dự báo trước. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, phải cẩn trọng với những tác động từ Fed từ nay đến cuối năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép nhất định lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không nhiều do đồng USD đến hết ngày 16/3/2022 đã tăng gần 3% so với cuối năm 2021 khi Fed phát đi thông điệp rõ ràng về việc thu hẹp chính sách tiền tệ, nên đà tăng sắp tới sẽ chậm hơn.
Một yếu tố tích cực nữa, theo ông Lực, đó là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục khoảng 110 tỷ USD vào cuối năm 2021 góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá. Trong khi đó nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại dự kiến vẫn thặng dư khoảng 4-8 tỷ USD trong năm 2022.
Đặc biệt, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hết sức bài bản, phối hợp nhuần nhuyễn các công cụ để điều hành tỷ giá theo sát diễn biến thị trường nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vẫn giữ dự báo tỷ giá năm 2022 chỉ tăng khoảng 0,5-1%.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Khang - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia cho hay, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước. “Việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của NHNN đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong điều hành CSTT nói chung và điều hành tỷ giá nói riêng. Thực tế, tỷ giá trên trên thị trường tuần qua vẫn khá yên ả trước thay đổi chính sách lãi suất của FED”, ông Khang nhìn nhận.
Không chỉ tỷ giá, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tác động của việc Fed tăng lãi suất đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài là có, nhưng không nhiều. “Nhà đầu tư ngoại rút vốn (nếu có) sẽ không nhiều do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao ở mức 6-6,5%. Nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định lạm phát kiểm soát khoảng 4%, tỷ giá khá ổn định, cán cân thương mại có thể thặng dư, thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng, nhưng trong tầm kiểm soát…”, nhóm nghiên cứu phân tích.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc NHTW các nước, nhất là Fed, có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu. Ngoài ra, NHNN cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Động thái của Fed có thể đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tiền rẻ và nới lỏng sau hai năm qua bởi đại dịch, mở ra một giai đoạn mới siết chặt hơn để phòng chống lạm phát... Bởi vậy, để giảm áp lực chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục… một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp thời điểm. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng “té nước theo mưa”…