VAMC là hạt nhân hình thành thị trường mua bán nợ
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Góp phần quan trọng giảm nợ xấu, cơ cấu lại hoạt động TCTD
2019 là một năm thế giới có nhiều biến động cả về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định với những kết quả ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra là từ 6,6-6,8%; chỉ số lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm gần đây; thặng dư cán cân thương mại hàng hóa đạt mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu...
Năm vừa qua, toàn ngành Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt trong điều hành, toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện có hiệu quả, toàn diện các mục tiêu, nội dung đặt ra.
Trong các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cũng đã được xử lý một cách rất quyết liệt và có hiệu quả về mặt thực chất, chất lượng hoạt động của các TCTD tốt hơn, công khai, minh bạch và an toàn hơn. Ý thức chấp hành kỷ cương, kỉ luật của TCTD cũng được nâng lên rõ rệt.
Đến 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn khoảng 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% đề ra từ đầu năm. Kết quả này ngoài nỗ lực của các TCTD còn có sự đóng góp rất lớn của VAMC.
Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông phát biểu tại Hội nghị. |
Theo kết quả hoạt động của VAMC, trong năm 2019, VAMC đã triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của 381 khoản nợ, đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt kế hoạch được NHNN giao. Mua nợ xấu theo giá trị thị trường của 37 khoản nợ đạt 2.247 tỷ đồng, giúp xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ gốc cho các TCTD, đạt 112% chỉ tiêu được NHNN phê duyệt và điều chỉnh; xử lý tài sản bảo đảm ước đạt 5.757 tỷ đồng, bán nợ đạt 6.332 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi nợ ước đạt 20.391 tỷ đồng.
Chỉ tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong 3 năm 2017, 2018 và 2019 đạt 90.556 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay. VAMC cũng đã chủ động phối hợp với TCTD tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của 3 khoản nợ xấu với giá trị tài sản bảo đảm thu giữ đạt 4.303 tỷ đồng.
Báo cáo thêm về tình hình hoạt động Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cho biết lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2019, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD thu nợ 151.860 tỷ đồng, đến cuối 31/12/2019, trong tổng số 40 TCTD bán nợ cho VAMC, thì đã có 12 TCTD thực hiện quyết toán nợ cho VAMC. Riêng trong năm 2019 có 7 TCTD lớn đã hoàn thành nợ cho VAMC như Ngân hàng nông nghiệp, Kiên Long Bank, SeABank…
"VAMC hi vọng sang năm 2020, với việc thực hiện đề án 1058 của NHNN thì chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch NHNN giao về xử lý nợ xấu, những nợ mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, trừ những TCTD thuộc diện khó khăn", Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng nói.
Trong năm 2019, các nguồn lực của VAMC không ngừng được củng cố vững chắc. VAMC đã được NHNN và Chính phủ tăng vốn điều lệ lên 5 nghìn tỷ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được nâng cao, công tác tổ chức hoạt động ngày càng được chú trọng, thực hiện theo đúng đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC theo lộ trình 2017- 2020 và hướng tới 2022 tại Quyết định 28, ngày 5/1/2018 của Thống đốc NHNN.
Năm 2019, VAMC đã tăng trưởng nhanh về số lượng, bán đấu giá thành công có giá trị 831 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản bán vượt trên giá trị khởi điểm là 37,5 tỷ đồng. Tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đạt 139% kế hoạch mua nợ đề ra.
VAMC đã được NHNN phê duyệt Phương án phát triển 5 năm 2019-2023 và xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành Đề án sàn giao dịch nợ VAMC, Đề án xây dựng câu lạc bộ AMC; tiếp tục nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ của VAMC như hỗ trợ tài chính, bảo lãnh, chuyển món vay thành vốn góp…
Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng báo cáo tại Hội nghị. |
Riêng với đề án thực hiện sàn mua bán nợ xấu, câu lạc bộ AMC, VAMC đã trình NHNN. “Nếu đề án được phê duyệt, đây là một bước để hướng tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung, VAMC có vai trò nòng cốt”, ông Đoàn Văn Thắng bày tỏ hy vọng.
Bên cạnh kết quả tích cực, lãnh đạo VAMC cho biết cơ quan này cũng gặp một số khó khăn trong quá trình mua, bán, xử lý nợ xấu như việc xử lý tài sản đảm bảo và cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan còn chậm và chưa dứt điểm, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý nợ. Kết quả mua nợ theo giá thị trường tuy đã vượt được kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, về thu hồi nợ còn chậm...
Tập trung phát triển thị trường mua bán nợ
Bước sang năm 2020, nhiệm vụ đối với VAMC cũng hết sức nặng nề trong công tác xử lý nợ xấu đặc biệt là mua, bán nợ theo giá trị thị trường. Để đạt được mục tiêu đặt ra, về phương hướng nhiệm vụ, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, VAMC tập trung toàn lực thực hiện các chỉ tiêu của VAMC trong giai đoạn 2019-2020, được nêu tại Quyết định 1058 ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, VAMC hoàn thành cơ bản về xử lý nợ xấu đã mua không tính các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt của các TCTD yếu kém có thể gây rủi ro trong hệ thống.
Thứ hai, đẩy mạnh việc mua nợ theo giá thị trường theo phương án được NHNN phê duyệt, tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của VAMC trên cơ sở nguồn lực tài chính, năng lực thực hiện của VAMC cùng các biện pháp kiểm soát rủi ro theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước.
VAMC tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, các nội dung, giải pháp được nêu tại đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058 của Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị. |
VAMC sẽ thực hiện việc xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường. Tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động, phấn đấu có trụ sở mới để đảm bảo các mặt hoạt động, làm tốt công tác quản lý cán bộ, trang bị công nghệ thông tin để phục vụ mục tiêu trước mắt và lâu dài.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ ngành, cơ quan trong xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là công tác thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42. Đồng thời, tiếp tục đề nghị giải ngân số tiền vốn điều lệ được cấp bổ sung theo Quyết định 1699 ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo VAMC cho biết thêm.
Ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên VAMC, Phó Thống đốc đánh giá trong năm 2019 đã đóng góp vào thành công của toàn Ngành ở cả 2 góc độ là tham gia xử lý nợ xấu vừa hỗ trợ cơ cấu lại TCTD đảm bảo hệ thống TCTD lành mạnh bền vững hơn.
Đánh giá thêm về vai trò của VAMC trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho rằng theo quy luật, bất cứ một nền kinh tế tế nào dù đang phát triển hay phát triển mạnh như Mỹ, Trung Quốc... đều phải trải qua thời kỳ khủng hoảng. Trong bối cảnh kinh tế đi vào suy thoái sản xuất kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, chắc chắn nợ xấu phát sinh lúc đấy vai trò của VAMC cần hơn bao giờ hết.
Trước mắt, trong thời kỳ nền kinh tế phát triển, vai trò của VAMC sẽ phải làm tốt mua bán nợ theo giá thị trường. Trong văn kiện Nghị quyết của ban chấp hành Trung ương cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho VAMC là hạt nhân trong việc xây dựng thị trường mua bán nợ. Đặc biệt giai đoạn nền kinh tế phát triển là thời kỳ tốt nhất để VAMC đẩy mạnh mua bán nợ theo cơ chế thị trường, phát thị trường mua bán nợ.
“Có thể thấy cả hiện tại cũng như tương lai cần tới VAMC. VAMC đã, đang và sẽ có vai trò lớn đối với hệ thống TCTD nói riêng, nền kinh tế nói chung”, Phó Thống đốc khẳng định.
Các cá nhân nhận Bằng khen của Thống đốc. |
Nhấn mạnh năm 2020 nhiệm vụ đặt ra cho VAMC là khá nặng nề. Là năm bản lề cho việc hoàn thành mục tiêu về cơ bản xử lý xong nợ xấu của các TCTD đã bán cho VAMC, tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD theo Nghị quyết 42 của Quốc hội… Nhất trí với những đánh giá về mặt được, cũng như tồn tại và các giải pháp VAMC khá đúng, trúng, nhưng để đạt được toàn diện các mục tiêu, Phó Thống đốc đề nghị VAMC nghiên cứu Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020 và thực hiện đúng, đầy đủ.
Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong VAMC, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ của Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban Kiểm soát, các Ban, đơn vị trực thuộc VAMC và các quy định nội bộ về mua, bán nợ xấu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của VAMC, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 và hướng tới năm 2022 theo các quyết định và chỉ đạo của Thống đốc NHNN đã được ban hành.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường phối hợp với TCTD để: (i) Rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định các biện pháp xử lý, thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC; (ii) Tìm kiếm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Thứ ba, tiếp tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Thống đốc NHNN; Chủ động, tập trung mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022 đã được NHNN phê duyệt, bảo đảm khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn vốn, tài sản của Nhà nước.
Thứ tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hiện có, tập trung cho mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; có giải pháp nâng cao năng lực tài chính, bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và Đề án nói trên.
Thứ năm, triển khai đồng bộ, đầy đủ và hiệu quả các nội dung của Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC; Từng bước xác lập và khẳng định vai trò định hướng thúc đẩy, xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung tại Việt Nam; Xúc tiến thành lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ các bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt là công tác thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 và trong việc triển khai thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ cho VAMC nhằm nâng cao năng lực tài chính để triển khai việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hiệu quả. Kịp thời báo cáo NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, mua bán nợ xấu.