Hỗ trợ nâng cao năng lực về Fintech và chuyển đổi số
Ngân hàng hái “quả ngọt” chuyển đổi số Doanh nghiệp logistics cần tăng tốc chuyển đổi số Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản |
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) cho biết, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành tài chính-ngân hàng, đặc biệt là dưới tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ đột phá như Blockchain, Cloud Computing, IoT và Big Data. Theo báo cáo của McKinsey năm 2023, AI có thể giúp tăng năng suất trong lĩnh vực ngân hàng lên tới 5% và tiết kiệm chi phí toàn cầu lên đến 300 tỷ USD. Sự phát triển từ AI truyền thống sang AI tạo sinh (Generative AI) đang mở ra những cơ hội chưa từng có trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tương tác với khách hàng.
Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) phát biểu khai mạc Toạ đàm |
Theo ông Tô Huy Vũ, những công nghệ mới này đang tạo ra chuyển biến sâu sắc trong nhiều lĩnh vực của ngành Ngân hàng. Đơn cử như tăng cường an ninh quản trị rủi ro nhờ hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực; đánh giá rủi ro tín dụng tự động với Machine Learning; bảo mật đa lớp với công nghệ sinh trắc học hay công nghệ Blockchain hỗ trợ giao dịch an toàn và minh bạch… Đồng thời, gia tăng trải nghiệm khách hàng thông qua cung cấp Dịch vụ 24/7 với chatbot AI thông minh; tư vấn tài chính cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu; định danh điện tử (eKYC) với công nghệ nhận diện khuôn mặt… Ngoài ra, công nghệ mới cũng giúp nâng cao vận hành và quản trị thông qua tự động hóa quy trình nghiệp vụ với RPA; phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hoạt động; nền tảng ngân hàng mở (Open Banking); điện toán đám mây...
Ông Andri Meier, Phó Giám đốc Chương trình, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) phát biểu tại Toạ đàm |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong hành trình chuyển đổi số, thể hiện qua những con số ấn tượng. Cụ thể, hơn 87% người trưởng thành hiện đã có tài khoản thanh toán, tăng đáng kể so với giai đoạn 2015-2017. Lĩnh vực thanh toán số đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với giao dịch thanh toán di động tăng 103,3% hàng năm, thanh toán qua kênh Internet và QR code bình quân tăng tương ứng 52% và 170% trong giai đoạn 2021-2023. Thành tích này đã đưa Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về tài chính toàn diện, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Bà Maria João Pateguana, Trưởng Bộ phận Phát triển khu vực tư nhân, ADB cho biết dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ tài chính, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam |
Đặc biệt, làn sóng công nghệ mới đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Fintech Việt Nam, từ 39 công ty năm 2015 đến nay đã có gần 200 công ty. Các công ty này đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nhiều lĩnh vực cho vay số với các thuật toán chấm điểm tín dụng thông minh; tư vấn tài chính tự động dựa trên Al… Giá trị giao dịch của toàn thị trường đạt hơn 27 tỷ USD năm 2023 và dự kiến sẽ đạt khoảng 31,6 tỷ USD vào năm 2024 (theo tổ chức BDA Partners).
Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ cũng đặt ra những thách thức mới. Bên cạnh các rủi ro truyền thống về cạnh tranh và ổn định tài chính, theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi; thách thức về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu; đảm bảo tính minh bạch của các thuật toán AI…
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN thông tin những kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian qua |
Trong bối cảnh đó, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu, được hỗ trợ bởi Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua ADB, được triển khai thực hiện đúng thời điểm ngành Ngân hàng đang trong quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; xây dựng khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới; tăng cường năng lực bảo mật và quản lý rủi ro số và thúc đẩy hợp tác công nghệ quốc tế.
Sau 1 năm tiếp nhận hỗ trợ và 9 tháng triển khai, theo ông Vũ, dự án đã mang lại những kết quả tích cực trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển fintech, công nghệ thanh toán và dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các hoạt động được thiết kế và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ chia sẻ thông lệ và kinh nghiệm quốc tế để tham khảo trong quá trình xây dựng các văn bản quy định, phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật đến tăng cường năng lực và truyền thông, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Toàn cảnh Toạ đàm |
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Andri Meier, Phó Giám đốc Chương trình, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) nhận định, trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bên, khi Việt Nam triển khai tài chính số phải cân đối giữa việc đổi mới công nghệ, an ninh an toàn và khuôn khổ pháp lý. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là con người, chất lượng nguồn nhân lực là trọng tâm của mọi quá trình chuyển đổi. Theo ông Andri Meier, mỗi cán bộ phải nắm được kiến thức về các công nghệ mới từ đó mới có thể tạo ra môi trường pháp lý phù hợp. Vì vậy, thông qua việc hợp tác tăng cường năng lực cho cán bộ NHNN và các bên liên quan về fintech, chuyển đổi số, SECO mong muốn sẽ góp phần giúp việc ra quyết định nhanh, hiệu quả hơn và thúc đẩy tài chính toàn diện, cho phép các doanh nghiệp tiến cận tài chính hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, đại diện SECO cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, tạo điều kiện để thị trường tài chính tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tạo ra hệ sinh thái mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Đại diện FPT Pay trao đổi về các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn mạng tại thị trường Việt Nam |
Cũng tại Toạ đàm, bà Maria João Pateguana, Trưởng Bộ phận Phát triển khu vực tư nhân, ADB thông tin, dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ tài chính, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhất là tập trung vào tài chính cho DNNVV, phát triển Fintech. Theo bà Maria João Pateguana, trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng và mạnh mẽ ngành Ngân hàng tại Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, chính sách từ NHNN là động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình này. Giờ đây thanh toán số tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, tuy nhiên những thành tựu này cũng đi kèm thách thức về an toàn, bảo mật. Vì vậy, việc nâng cao năng lực về tài chính số, tài chính toàn diện là điều rất cần thiết. Bà Maria João Pateguana khẳng định, trong thời gian tới, ADB sẽ cùng các đơn vị tiếp tục hỗ trợ NHNN trong việc phổ cập tài chính số.
Phiên thảo luận về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng |
Tại toạ đàm, đại diện các bên liên quan đã có bài trình bày, trao đổi về các chủ đề như công nghệ thanh toán, dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho thị trường, khía cạnh Fintech đối với tiếp cận tài chính cho nữ giới và cơ chế sandbox…