Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng. Trong đó khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm; tiếp tục làm bệ đỡ cho ngành du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Thống kê cho thấy, trong những tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022, khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những điểm sáng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân có thể kể đến là việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hóa. Ngoài ra, chính sách visa dù đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, song so với các quốc gia khác thì vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện nhiều quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia có chính sách visa thông thoáng cho công dân nước ngoài lưu trú từ 30 tới 45 ngày. Thái Lan hiện kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày. Hàn Quốc cho phép khách ra vào nhiều lần với thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, Thái Lan là 64, Philippines là 157 và Hàn Quốc 66. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ miễn visa cho 25 quốc gia với thời gian lưu trú thường chỉ 15 ngày.
Công dân 80 quốc gia được phép xin e-visa vào Việt Nam chỉ có thể nhập cảnh một lần, không được gia hạn, thời gian lưu trú tối đa 30 ngày. Trong khi đó, du khách tới Malaysia được miễn visa và có thể đi lại nhiều lần trong 3 tháng.
Các chuyên gia cho rằng, để kéo được thời gian lưu trú cũng như số lần quay lại của du khách nước ngoài, chính sách về visa cần có sự thay đổi đột phá, để không là rào cản chính khiến Việt Nam “đi sớm về sau” ở cuộc đua đón khách quốc tế. Theo Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp visa có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm.
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết, nếu không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Ông Trường đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh, tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế từ 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel nhấn mạnh, cần nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh các quy định về visa để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt; đồng thời có chương trình miễn giảm visa, nhất là đối với những nước có lượng khách du lịch thu nhập cao.
Hải Yến
Nguồn: