Việt Nam: Con đường phía trước
ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 5,8% |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tim Evans Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có khả năng chống chịu rất tốt trước những biến động kinh tế thế giới và điều này được thể hiện qua rất nhiều giai đoạn trước đây.
“Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều yếu tố bất định về địa chính trị, sự sụt giảm nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam… kéo theo sự sụt giảm về sản lượng hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu. Dù gần đây đã có sự tăng trưởng nhất định về xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc, tuy nhiên về có bản xuất khẩu đang có xu hướng đi xuống”, CEO HSBC Việt Nam nhận định.
Đây cũng là một phần lý do chính khiến HSBC dự báo mặc dù GDP quý IV dự báo sẽ tiếp tục cải thiện từ mức 5,3% trong quý III nhưng mức tăng sẽ không quá mạnh mẽ và dự báo GDP cả năm 2023 đạt quanh mức 5,0%.
“Dù đây là mức thấp hơn so với năm 2022 nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực”, ông Tim Evans cho biết.
Về triển vọng 2024, TS. Frederic Neumann, kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC trong phần trình bày của mình nhận định Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%.
“Con số này là thấp so với các mức tăng trưởng quanh 7% của Việt Nam trước đây nhưng là một con số ấn tượng nếu so với mức dự báo tăng trưởng 2,3% của toàn cầu; 4,6% của Trung Quốc; 4,2% của Thái Lan; 4,5% của Malaysia; 5,2% của Philippines… trong năm tới”, TS. Frederic Neumann cho biết, đồng thời cho rằng sự phục hồi của xuất khẩu và chi tiêu nội địa sẽ là hai động lực chính giúp Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên trong năm tới.
Chia sẻ tại hội thảo ông Brook Taylor, CEO Asset Management VinaCapital cho rằng bên cạnh xuất khẩu và chi tiêu nội địa, lĩnh vực tài chính, dịch vụ và bất động sản kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cũng kỳ vọng tăng tốc trong thời gian tới, qua đó sẽ thu hút đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Dù tin tưởng triển vọng 2024 tươi sáng hơn rất nhiều nhưng TS. Frederic Neumann cũng lưu ý, rủi ro lớn nhất vẫn đến từ các yếu tố bên ngoài.
“Nếu tăng trưởng kinh tế thế giới không đạt như kỳ vọng, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hồi phục kém hơn các dự báo mà chúng tôi đưa ra vào thời điểm này, thì cầu bên ngoài vẫn yếu và họ sẽ giảm nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hồi phục xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, xuất khẩu vẫn là trụ cột tiềm ẩn rủi ro”, chuyên gia này nhận định.