Vốn ngân hàng thúc đẩy kinh tế phục hồi
Cung ứng vốn rẻ hỗ trợ kinh tế phục hồi Kỳ vọng từ tăng tốc giải ngân đầu tư công |
Chẳng hạn, ACB vừa thông báo kết quả kinh doanh quý I với tín dụng tăng trưởng 3,7% cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. ACB cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực của ngân hàng này là nhờ áp dụng chương trình cho vay lãi suất thấp. Hiện nay, tại ACB, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ở mức từ 4,9%/năm, cho vay cá nhân các kỳ hạn trung - dài hạn từ 6-8%/năm. Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng thông báo kết quả tăng trưởng tín dụng ở mức 4,6% trong quý I vừa qua...
Các ngân hàng có mức tín dụng tăng trưởng khá trong quý I/2024 đều do đã tập trung vào mảng bán lẻ, nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và các cá nhân tiêu dùng khi lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục. Tại đại hội cổ đông của một số NHTM tổ chức trong những ngày đầu tháng 4/2024, ban điều hành các ngân hàng đã trình cổ đông phương án kinh doanh với tính toán lãi suất điều hành sẽ không tăng từ nay đến hết năm 2024.
HSBC và UOB cũng đều đưa ra dự báo lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên ở mức 4,5% đến hết năm và duy trì ở mức này tiếp tục trong năm 2025. HSBC cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 và kỳ vọng sự phục hồi sẽ lan rộng hơn trong sáu tháng cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự phát triển và tăng trưởng tích cực của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong những tháng đầu năm nay đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng trong mối quan hệ giữa ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế.
Tín dụng đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng gắn liền với tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 60%) và tăng trưởng tốt trong quý I năm nay. Tốc độ này phù hợp với xu hướng tăng trưởng của các nói trên.
Đại diện NHNN TP. Hồ Chí Minh dự ước tín dụng trên địa bàn thành phố tháng 3 sẽ tăng khoảng 0,5% so với tháng 2/2024. Và nếu đặt trong mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng tín dụng so với tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh và xu hướng tăng trưởng tín dụng chung trên cả nước thì tín dụng thực tế của TP. Hồ Chí Minh trong tháng 3/2024 sẽ tăng trưởng cao hơn mức dự ước nói trên. Điều này cũng tương ứng với xu hướng hoạt động kinh tế cải thiện của TP. Hồ Chí Minh trong tháng 3 năm nay và quý I/2024.
Ngoài yếu tố từ phía cầu do tăng trưởng kinh tế cải thiện, yếu tố từ phía cung tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy cho vay. Chẳng hạn, mặt bằng lãi suất thấp hơn đã kích thích nhu cầu vay vốn, kích thích doanh nghiệp và người dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ cho vay doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm nay đạt trên 217.000 tỷ đồng với 3.636 doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, tăng 1,6% so với cuối năm ngoái. Mảng tín dụng khu chế xuất - khu công nghiệp tăng trưởng cao nhất luôn được duy trì ở TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm liên tục.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, tỷ lệ dư nợ so với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tại TP. Hồ Chí Minh luôn chiếm khoảng 200%, khẳng định vai trò của ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp nguồn vốn chủ yếu vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong quý II/2024 và giai đoạn tiếp theo.