Vốn ODA: Cải thiện để hợp tác hiệu quả hơn
Ông Shimizu Akira |
Thưa ông, hiện nay dự án tuyến Metro số 1 tại TP. Hồ Chí Minh đang bị chậm tiến độ, JICA có những giải pháp hỗ trợ gì để sớm đưa dự án hoàn thành?
Dự án đang phấn đấu thông xe sớm, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng trên 90%. Tháng 8/2022, lần đầu tiên tuyến Metro số 1 đã vận hành thử nghiệm. Dự kiến cuối tháng 10/2022, dự án sẽ cử 14 cán bộ từ cơ quan thực hiện phía Việt Nam sang đào tạo tại Indonesia. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan hữu quan với mong muốn giải quyết từng vấn đề một nhằm thông xe trong thời gian sớm nhất.
Nhìn vấn đề rộng hơn, việc chậm giải ngân vốn dẫn đến “đội giá” và lãng phí nguồn lực nên được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Nhiều dự án bị đình trệ, giải ngân chậm trễ do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục hành chính; nhiều dự án cần phải đợi lãnh đạo cấp cao phê duyệt dù chỉ có những thay đổi rất nhỏ trong dự án; thay đổi các điều kiện cho vay lại; hay có khi cơ quan đối tác chưa được trang bị đầy đủ để thực hiện dự án… Việc chậm trễ trong phê duyệt các thủ tục có thể dẫn đến tăng tổng chi phí đầu tư của dự án. Bên cạnh đó, các yếu tố biến động và cộng hưởng gần đây như giá năng lượng, giá vật tư và thiết bị tăng cao khiến chi phí dự án đội lên.
JICA cũng như các nhà tài trợ khác như WB, ADB… đều nhận thấy và mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể cải thiện các vấn đề này để thúc đẩy hợp tác giữa các bên hiệu quả hơn. Trong đó, một điều căn bản và quan trọng là cần phải thực hiện tất cả các công việc theo kế hoạch đã đề ra và thống nhất ban đầu. Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện tại và tương lai. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai; đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương của Việt Nam.
Quy trình xem xét vốn vay ODA của Nhật Bản hiện nay như thế nào, thưa ông?
Sau khi Chính phủ Việt Nam tiến hành nghiên cứu tiền khả thi và phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi, nếu thấy phù hợp, dự án sẽ được thẩm định căn cứ theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Trong quá trình thẩm định, để có thể đưa ra quyết định cho vay, chúng tôi cần trải qua quá trình thảo luận, trao đổi, điều phối và xác nhận với các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương và cơ quan thực hiện dự án đó về các nội dung của dự án/kế hoạch đó để xem có thực sự phù hợp không? có khả năng đạt được các mục tiêu đề ra hay không? Sau đó, khi phía Nhật Bản và Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục thẩm định, phê duyệt, hai Chính phủ sẽ ký kết công hàm trao đổi, và JICA sẽ ký kết hiệp định cho vay với bên vay. Việc giải ngân vốn vay cũng được tiến hành dựa theo đề nghị của phía Việt Nam theo từng lần và phụ thuộc vào thủ tục phía Việt Nam. JICA rất mong muốn được hợp tác với các cơ quan hữu quan Việt Nam để giải quyết việc chậm trễ trong giải ngân do sự khác biệt về thủ tục giữa hai nước.
Toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam |
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai (sau Hàn Quốc) trong 5 nền kinh tế lớn nhất tại châu Á đầu tư vào Việt Nam. Theo ông cần tập trung vào vấn đề gì để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?
Một điều khá ấn tượng là có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây. Ví dụ: tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc là khoảng 60%, ở Thái Lan là gần 50%, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ trên dưới 30%. Nhận biết được tình hình đó, JICA hiện đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam, thông qua các hoạt động cụ thể như: Triển khai dự án cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, thông qua đó, tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp này và tìm kiếm các doanh nghiệp đối tác phù hợp; đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo công nhân lành nghề (JICA đang lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề)…
Trước những biến động và bất định toàn cầu hiện nay, theo ông, Việt Nam cần có các giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế bền vững?
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ổn định từ năm 2022, tuy nhiên vẫn cần thận trọng trước tình hình biến động kinh tế thế giới liên quan đến các căng thẳng địa chính trị, giá cả leo thang, Fed tăng lãi suất… Bên cạnh đó, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ khiến đầu tư FDI vào Việt Nam tăng cao và chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Song, Việt Nam cũng sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do già hóa dân số diễn ra nhanh và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác; nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn nhiều hạn chế. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động tăng cao trong thời gian tới. JICA đã và đang hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua các hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch hỗ trợ Việt Nam của JICA thời gian tới?
Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, tuy nhiên động lực thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Một xã hội ổn định, môi trường trong lành, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng (CSHT) phát triển là những yếu tố không thể thiếu để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong định hướng hoạt động thời gian tới, JICA cũng hướng ưu tiên cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, đầu tư phát triển CSHT chất lượng cao là động lực tăng trưởng quan trọng và tôi tin rằng trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển CSHT. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển CSHT. Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA, đồng thời tăng cường kết nối người dân hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị 50 năm giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục phát triển và có bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!