Xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực: Từ ý tưởng đến hiện thực
Ý tưởng một trung tâm tài chính
Trong dịp gặp gỡ giới báo chí mới đây tại Đà Nẵng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), người được biết đến với danh hiệu “vua hàng hiệu” chia sẻ: Chúng tôi đã ấp ủ bao năm nay về một trung tâm tài chính ở Việt Nam. Từ 6 năm trước, IPPG đã đề xuất với TP.HCM nhưng chưa có điều kiện triển khai. Lúc bấy giờ lãnh đạo Đà Nẵng đã tiếp cận IPPG và ngay lập tức chúng tôi đáp từ bằng những ý tưởng và đồ án cụ thể. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Có thể nói, đến thời điểm này, chúng tôi đã có cơ hội để biến những ấp ủ, ý tưởng thành hiện thực.
Mô hình trung tâm tài chính tại Đà Nẵng do IPPG và các đối tác đề xuất |
Trước băn khoăn của phóng viên Thời báo Ngân hàng. Liệu đề án có khả thi khi mà Đà Nẵng còn chưa “đạt chuẩn” trở thành trung tâm tài chính quốc gia? Ông Johnathan Hạnh Nguyễn giãi bày: Hoàn toàn có thể làm được, nhưng có khả thi hay không còn phụ thuộc vào độ mở của chúng ta. Chúng ta định hướng là trung tâm tài chính khu vực, bởi theo định hướng của Trung ương, tới năm 2025 Việt Nam là nước phát triển, thì phải làm gì để vượt lên? Việt Nam hiện là quốc gia đang được nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm. Vài năm tới, nếu Trung ương đồng ý các điều kiện mở cửa như thế nào, thì tùy theo mức độ đó, chúng ta sẽ có trung tâm tài chính khu vực, hay thậm chí toàn cầu. Hiện tất cả đang còn là đề án, và đề án này có khả thi hay không phụ thuộc vào chính chúng ta, chúng ta có đủ điều kiện, đủ hấp dẫn để “đại bàng chúa” tìm đến, rót vốn hay không?
Cũng theo Chủ tịch IPPG, khoảng cách giữa trung tâm tài chính quốc gia với trung tâm tài chính khu vực không quá lớn, nhưng để đạt được tầm trung tâm tài chính quốc tế thì khoảng cách rất xa, song không phải không có cơ hội. Nếu dám “chơi” như New York, London, thì Việt Nam sẽ có trung tâm tài chính toàn cầu. Bởi Việt Nam có múi giờ nằm giữa châu Mỹ và châu Âu. Khi hai châu lục kia ngủ thì Việt Nam thức, nên Việt Nam có lợi thế về giao dịch dòng tiền. Tại sao chúng ta không làm?
Trong số 3 “đại bàng chúa” mà ông “vua hàng hiệu” đề cập, gồm một nhà tài phiệt Mỹ hiện đang nắm hàng ngàn tỷ USD. Thứ hai là “ông trùm” casino Sheldon Adelson nổi tiếng ở Macao, Singapore. Khi ông này đầu tư ở đâu thì du lịch và kinh tế ở đó phát triển cực lớn. Riêng Singapore đã đóng góp cho quốc gia này 1,8% GDP. Sheldon Adelson vừa mới qua đời và hiện nay người kế nhiệm là ông William Weidner (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Weidner Resorts - Gaming Assset Management) đã huy động vốn để đưa về phát triển casino ở châu Á, mà trước hết là đề án Trung tâm tài chính và khu nghỉ dưỡng tích hợp ở Đà Nẵng. “Đại bàng chúa” thứ 3 là ông Paul Steelman - Giám đốc điều hành Steelman Partners. Công ty Steelman Partners đã hoàn thành hơn 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng tích hợp ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Úc, Ý... Một số dự án tiêu biểu có sự tham gia của Steelman Partner là chuỗi khách sạn Hyatt, Sheraton, Wynn, Las Vegas Sands, Bloomberry Resorts, Naga Corp, MGM, Harrahs, Royal Time Group, Genting...
Ông Paul Steelman cùng với Johnathan Hạnh Nguyễn và William Weidner đã kết hợp trình bày đề án trung tâm tài chính với khu nghỉ dưỡng tích hợp tại Đà Nẵng theo phong cách Singapore. Họ tin tưởng rằng dự án sẽ là công trình tốt nhất góp phần thay đổi hoàn toàn hoạt động đầu tư nước ngoài và du lịch tại Việt Nam.
Hiện thực hoá đề án
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Ngoài ra, Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước (đứng thứ 8/63 địa phương về mật độ kinh tế, đứng thứ 9/63 địa phương về nguồn thu ngân sách).
Đà Nẵng được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, thành phố đáng sống có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ về đường biển, đường bộ và đường hàng không. Có khoảng cách ba giờ bay với các nền kinh tế năng động như Thailand, Malaysia, Singapore, Hong Kong… Cùng với đó, trong điều kiện bình thường, sân bay quốc tế Đà Nẵng hoạt động với gần 500 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, được khai thác với 25 hãng hàng không, kết nối với 35 thành phố của chín quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến đến năm 2030, sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên theo NHNN Việt Nam, việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính cần đảm bảo đưa ra các mục tiêu và giải pháp liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt...
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành trung tâm tài chính khu vực. Thành phố đã thành lập Tổ công tác do phó chủ tịch thường trực thành phố làm tổ trưởng và mời đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, NHNN Việt Nam tham gia hỗ trợ, góp ý cho Đà Nẵng trong quá trình lập đề án. Thành phố cũng dành một trong những vị trí đắc địa nằm trên đường Võ Văn Kiệt để xây dựng dự án Trung tâm tài chính khu vực. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu phức hợp trung tâm thương mại, tài chính, casino, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp quốc tế, chung cư cao tầng… với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD. IPPG dự kiến sẽ đầu tư nhiều dự án mang tính liên hoàn tại Đà Nẵng, với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: Tâm điểm chú ý của giới đầu tư tài chính cũng như bất động sản thời gian qua là thông tin những nhà tài phiệt, ông trùm sòng bạc nổi tiếng hàng đầu thế giới đang nhắm tới Đà Nẵng như một điểm đầu tư hấp dẫn để xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế và khu vực. Kỳ vọng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố tài chính, du lịch đẳng cấp sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Ông William Weidner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Weidner Resorts - Gaming Assset Management: Chúng tôi tự tin rằng mình có đủ khả năng mang những khoản đầu tư giá trị hàng triệu đô la Mỹ đến thành phố Đà Nẵng với dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng thích hợp kết hợp với trung tâm tài chính. Không chỉ vậy, chúng tôi quan tâm tới việc có thể tiếp tục mời gọi thêm hàng tỷ đô đầu tư vào Việt Nam khi thiết lập những trung tâm tài chính khác. Ông Paul Steelman - Tổng Giám đốc Steelman Partner: Chúng tôi có ý tưởng kết hợp trung tâm tài chính với khu nghỉ dưỡng thích hợp theo phong cách Singapore. Chúng tôi tin rằng dự án trung tâm tài chính và khu du lịch nghỉ dưỡng thích hợp mà chúng tôi sẽ thiết kế và phát triển tại Đà Nẵng tới đây và một địa điểm khác tại Việt Nam sẽ là công trình tốt nhất trên thế giới, thay đổi hoàn toàn hoạt động đầu tư nước ngoài và du lịch khắp Việt Nam. Barney Reynolds - Công ty Luật quốc tế Sherman và Sterling: Tôi và đội ngũ của mình rất vinh dự khi được hỗ trợ một dự án hấp dẫn xây dựng hai trung tâm tài chính mới tại Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh tài chính trong khu vực Đông Nam Á. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG: Các trung tâm tài chính trên thế giới đang có những xáo trộn nên họ phải định hình lại. Vì vậy, phải nắm bắt thời cơ và khi Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính đạt tầm châu lục thì dòng tiền sẽ chảy về. Chúng tôi quyết tâm làm để 20 năm nữa hiện thực hóa được mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. |