Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ: Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
Ảnh minh họa |
Trở thành phương châm hành động
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XV, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết đất nước ta đã và đang từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn kết hợp với phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Tuy vậy, công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội đất nước còn đang đối mặt nhiều thách thức bởi dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, tình hình chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
“Trong một bối cảnh thế giới biến động như vậy, chúng ta lại càng thấy rõ hơn sự sáng suốt và đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi luôn luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, coi đây là phương châm hành động trong quá trình lãnh đạo cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đấy chính là sự tiếp nối truyền thống tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước”, ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Cùng chung nhận định này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là một trong ba nội dung để hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để tăng cường tiềm lực kinh tế, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và đưa nước ta trở thành nước công nghiệp; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài; chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững…
Với chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã thu được những thành tựu kinh tế to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, tham gia vào WTO và nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng vẫn còn một số hạn chế trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua. Đó là dù có nhiều cải thiện, năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, chưa tạo ra được đột phá để thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Việt Nam cũng chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, chúng ta còn có biểu hiện lúng túng, bị động trong bảo hộ sản xuất trong nước…
Bên cạnh đó, PGS.TS. Hà Văn Hội, Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam đã tham gia ở rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định thế hệ mới đã đặt ra thách thức trong việc giữ vững độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi dịch Covid-19 đã và đang có những tác động tiêu cực đến toàn cầu và làm dịch chuyển, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở nhiều nước trong khi các thiết chế thương mại đa phương đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình cải tổ, vận hành. Trong khi đó, Việt Nam vừa phải đảm bảo hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, vừa phải phù hợp với quy định trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Do đó, để đảm bảo độc lập, tự chủ về kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng Việt Nam phải kiên định về đường lối, chiến lược phát triển, đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, có khả năng thích ứng với các biến động kinh tế và các cú sốc bên ngoài; chủ động hội nhập, đa dạng, đa phương hóa quan hệ, Việt Nam làm bạn với tất cả các nước theo tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, tranh thủ tốt các thể chế kinh tế đa phương, tránh rủi ro phụ thuộc vào một quốc gia, một thị trường.
Nhìn từ kinh nghiệm và thành công của Singapore, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng để trở thành một dân tộc thực sự tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, Việt Nam có thể khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng với nguồn lực toàn cầu thông qua chiến lược thông thái và nỗ lực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Người dân nỗ lực học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại và kinh nghiệm phát triển hay nhất của thế giới; nêu cao ý thức trong xây dựng năng lực kiến tạo giá trị của toàn xã hội, đặc biệt về thể chế, con người và văn hóa.