Bãi rác Khánh Sơn - bao giờ được xử lý dứt điểm?
Tái diễn chặn xe rác lên bãi
Thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhất là tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng “Thành phố xanh - sạch - đẹp”.
Tuy nhiên, các ngành chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để, dẫn đến việc người dân địa phương rất bức xúc, có những hành động bộc phát.
Người dân trong khu vực bức xúc cản trở xe chở rác lên bãi Khánh Sơn |
Mới đây, vào lúc 15 giờ chiều 6/7/2019, một số người dân đã cản trở, ngăn chặn không cho các phương tiện vận chuyển rác vào bãi rác Khánh Sơn, gây ách tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự và ùn ứ hàng trăm tấn rác thải tại các khu dân cư.
Cho đến khuya ngày 7/7/2019 vẫn còn khoảng 100 người dân sống quanh bãi rác Khánh Sơn đổ ra ngã tư đường Hoàng Văn Thái - Huỳnh Thị Bảo Hòa ngăn cản xe vận chuyển rác. Vụ việc diễn ra ngay sau khi cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố với người dân địa phương không tìm được tiếng nói chung về giải pháp xử lý rác trong thời gian tới.
Trước đó, tại buổi đối thoại với người dân khu vực Khánh Sơn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thông tin về Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, đốt rác phát điện. Dự án có công suất đốt rác 650 tấn/ngày và sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân khu vực Khánh Sơn là phải di dời bãi rác đi nơi khác.
Đây không phải lần đầu tiên người dân trong khu vực ngăn chặn không cho xe chở rác vào bãi. Trước đó, người dân Khánh Sơn nhiều lần chặn xe ra vào bãi để phản ứng. Chính quyền địa phương cũng từng đối thoại, hứa di dời bãi rác trước 2019, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện Khánh Sơn là bãi rác duy nhất của Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.100 tấn rác sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp. Sau gần 30 năm tồn tại, đến nay bãi rác đã gần quá tải. Bên cạnh lượng xe rác lưu thông suốt ngày đêm gây tiếng ồn, người dân cũng rất bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm mùi hôi bốc ra từ bãi rác lộ thiên.
Cần có giải pháp xử lý dứt điểm
Vụ việc trên trong những ngày qua đã làm phát sinh lượng rác tồn lưu lớn tại các khu dân cư trên địa bàn. Đến 19h ngày 7/7/2019, số rác tồn đọng khoảng 1.200 tấn, gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ làm phát sinh các loại dịch bệnh trong điều kiện thời tiết đang nắng nóng.
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại buổi tiếp và đối thoại với đại diện các hộ dân vào ngày 6/7/2019.
Đồng thời, giao Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam và Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân liên quan khẩn trương tổ chức vận động, làm việc trực tiếp với các cá nhân để yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn chặn phương tiện vận chuyển rác vào khu vực bãi rác Khánh Sơn. Đồng thời, tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến tình hình hoạt động của bãi rác Khánh Sơn; Chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm mọi hành vi trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với đó, yêu cầu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức giải phóng toàn bộ lượng rác đang tồn lưu tại các khu dân cư, đảm bảo đưa hoạt động thu gom rác thải trên địa bàn thành phố trở lại hoạt động bình thường.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, thời điểm hiện tại việc vận chuyển rác vào bãi rác Khánh Sơn đã hoạt động trở lại bình thường. Hiện bãi rác Khánh Sơn chỉ còn khoảng 200 ngày chôn lấp rác tươi là hết khả năng chứa. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ triển khai các phương án để xử lý vấn đề này. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ cho xây dựng nhà máy đốt rác thải để phát điện. Đã có 42 nhà đầu tư đăng ký các dự án nhà máy xử lý rác theo 7 nhóm công nghệ. Tuy nhiên, theo tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), công nghệ đốt rác để phát điện là phù hợp nhất trong điều kiện đô thị như Đà Nẵng.