Bảo đảm hiệu quả, tránh lạm dụng quyền lực
Tạo xung lực mới cho đầu tàu kinh tế | |
Cần xử lý tài sản không có nguồn gốc hợp pháp | |
Đại biểu Quốc hội hài lòng, cử tri đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc |
Băn khoăn luật chung hay riêng
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo tờ trình của Chính phủ việc xây dựng luật này nhằm luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế (ĐKKT) và xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB để áp dụng tại 3 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ngay tại Điều 2 của Dự thảo Luật đã đặt ra việc áp dụng luật với ba đơn vị HCKTĐB nói trên.
Mặc dù đồng tình với sự cần thiết cần có luật này, nhưng theo nhiều đại biểu, không nên chỉ xây dựng luật để phục vụ cho hoạt động của 3 đặc khu trên, mà nên xây dựng luật chung, còn các đặc khu thì điều chỉnh bằng Nghị quyết Quốc hội.
Phú Quốc là 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: tại sao chúng ta lại đưa vào 3 đơn vị cụ thể là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vào Luật? Ví dụ, chúng ta có Luật Thủ đô, thì thủ đô chỉ có một và đưa vào Hiến pháp rồi. Còn 3 đơn vị đặc khu trên chỉ nên xây dựng nghị quyết, giống như nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, hoặc là xây dựng một luật chung về Đơn vị HCKTĐB. Còn 3 đơn vị cụ thể thì đưa vào nghị quyết vì mỗi đơn vị có khác nhau về yếu tố địa chính trị.
“Chúng ta có luật chung về đặc khu như vậy thì nếu sau này có thêm đặc khu khác, vẫn có thể sử dụng nghị quyết Quốc hội để điều chỉnh chứ không phải sửa luật nữa” – đại biểu Nghĩa phân tích thêm.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại đồng tình với việc xây dựng luật riêng về đơn vị HCKTĐB với 3 đơn vị trên. Bởi theo ông “chúng ta chưa có kinh nghiệm về mô hình này và trong nghị quyết Trung ương Đảng cũng đặt ra là xây dựng mô hình kinh tế đặc biệt mang tính chất thử nghiệm. Mà đã là thử nghiệm thì cách làm này thuận lợi hơn là xây dựng một luật chung”.
Cần làm rõ hơn cơ chế giám sát đối với trưởng đơn vị
Dự thảo Luật quy định một số ưu đãi như: việc mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại… Dự thảo Luật cũng đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai cho đơn vị HCKTĐB vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển.
Nhưng theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), các chính sách thuế so với hiện hành đã ưu tiên hơn, nên với ưu đãi thuế thu nhập DN, nhất là với thuế suất thuế thu nhập đặc biệt với casino thấp hơn mức thuế suất hiện hành áp dụng trong 10 năm cần phải tính toán cẩn trọng. Bởi chính sách thuế dễ bị lợi dụng, nên cần cân nhắc, tính toán để tránh thất thu ngân sách.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, thu hút đầu tư là quan trọng nhưng phải theo hướng tăng cường nội lực và bảo vệ an ninh quốc gia, phù hợp với truyền thống bản sắc Việt Nam. Nếu nhà đầu tư không cam kết làm được như vậy thì có thể thu hồi dự án. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đặt câu hỏi: vấn đề cấp đất 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên có hợp lý không khi mà luật hiện hành chỉ quy định 70 năm. “Nếu nhà đầu tư đầu tư vào Casino thì cũng chưa ai biết được 50 năm nữa thì có còn chơi casino không” - ông Nghĩa lập luận.
Thậm chí đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cho rằng, tùy vào danh mục đầu tư nhưng miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đến 99 năm là quá dài. “Tôi đề nghị chỉ 50 năm để phù hợp với Luật Đất đai” - bà Hằng nói. Một số đại biểu cho rằng, chỉ nên miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tùy theo sự đóng góp vào nền kinh tế.
Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Đa số ý kiến đại biểu đồng ý chọn phương án 1 với ưu điểm tổ chức chính quyền địa phương là phù hợp với quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 111) và nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6). Việc này tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB... Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới hiện nay. Hơn nữa, theo Chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với trưởng đơn vị HCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.